Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức từ người tiền nhiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với tỷ lệ ủng hộ 94/3, Thượng viện Mỹ đã chấp thuận để Thượng nghị sĩ John Kerry trở thành Ngoại trưởng cùng thông điệp mạnh mẽ với phần còn lại của thế giới rằng người chèo lái ngành ngoại giao nước này đã nhận được sự ủng hộ vững chắc của toàn bộ quốc gia.

Vậy là chỉ một tháng sau khi nhận được đề cử từ Tổng thống Barack Obama với lời ca ngợi là "sự lựa chọn hoàn hảo" ông Kerry đã nhanh chóng vượt qua phiên điều trần trước Thượng viện để chuẩn bị cho lễ nhậm chức vào đầu tháng 2. Đúng như Tổng thống Obama đã nhận định cả cuộc đời của John Kerry dường như đã được chuẩn bị để đảm nhiệm sứ mệnh là người chèo lái ngành ngoại giao nước Mỹ. Không kể lần thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2004, ngay từ khi bước chân vào chính trường, Thượng nghị sĩ giàu có nhất nước Mỹ này đã luôn thể hiện tố chất lãnh đạo trong mọi hoạt động mà mình tham gia.

Thách thức từ người tiền nhiệm - Ảnh 1

Ông Kerry (phải) là "lựa chọn hoàn hảo" cho ghế Ngoại trưởng Mỹ.

 Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban về vấn đề Tù nhân chiến tranh/người Mỹ mất tích trong thực hiện nhiệm vụ (POW/MIA), ông Kerry đã thúc đẩy hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam, qua đó góp phần xúc tiến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Thượng nghị sĩ Kerry cũng là chuyên gia hàng đầu về chính sách của Mỹ với châu Á, Iraq, Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố, tiến trình hòa bình Trung Đông và an ninh của Israel. Đặc biệt, khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Kerry là người đứng đằng sau những quyết định nổi bật của Tổng thống Obama trong việc can thiệp vào Libya và Ai Cập cũng như thúc đẩy Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiệp ước vũ khí hạt nhân mới với Nga.

Hơn 28 năm làm việc tại Thượng viện với 5 nhiệm kỳ liên tiếp, ông Kerry đã tạo lập được uy tín trong lĩnh vực an ninh quốc gia và các vấn đề quốc tế của Mỹ. Vì thế, nhiều người kỳ vọng vị Thượng nghị sĩ này sẽ là người kế nhiệm xuất sắc của Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Hillary Clinton. Ngay cả những người của đảng Cộng hòa cũng tán dương ông Kerry như là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của nước Mỹ với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, tân Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn trong 4 năm tới như tái thiết lập chiến lược can dự của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và chiến lược tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương, lợi ích cốt lõi của Mỹ tại Syria và các biện pháp cụ thể để lấy lại lợi thế ở khu vực Tây bán cầu...

Dù có tới 4 năm để thể hiện tài năng lãnh đạo và bản lĩnh chính trị của mình nhưng nếu ông John Kerry không thực sự đưa ra được các nước đi đột phá thì rất khó để vượt qua được thách thức đầu tiên là phải vượt qua “cái bóng” quá lớn của người tiền nhiệm Hillary, vốn được đánh giá là Ngoại trưởng xuất sắc nhất của lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Ngày 30/1, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi thư chúc mừng tới ông John Kerry nhân dịp ông được Thượng viện Mỹ chính thức thông qua đề cử là Bộ trưởng Ngoại giao mới của Mỹ.