70 năm giải phóng Thủ đô

Thách thức “xanh hóa” sản xuất nhựa

Thành Luân - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN nhựa đang đứng trước sức ép phải thay đổi công nghệ và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng hướng tới mục tiêu "xanh hóa" sản xuất, tuy nhiên đây cũng là thách thức lớn cho ngành.

Nhiều chi phí phi mã

Với quy mô hiện nay, trong số gần 4.000 DN nhựa trên cả nước, có tới 90% là DN nhỏ và vừa, doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm. DN có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm chỉ chiếm 8%, trên 1.000 tỷ đồng chỉ chiếm 1,2%. Tính đến năm 2022, sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt xấp xỉ 25,18 tỷ USD, tăng 5,68% so với cùng kỳ. Trong đó, nhựa bao bì đạt 8,81 tỷ USD, chiếm 35% cơ cấu doanh thu; nhựa gia dụng đạt 5,79 tỷ USD, chiếm 23%; nhựa xây dựng đạt 5,28 tỷ USD, chiếm 21%; nhựa kỹ thuật đạt 2,77 tỷ USD, chiếm 11%, còn lại các sản phẩm nhựa khác.

Chi phí tái chế, tiêu hao năng lượng đang là thách thức với các DN ngành nhựa. Ảnh: Tập đoàn Hoa Sen
Chi phí tái chế, tiêu hao năng lượng đang là thách thức với các DN ngành nhựa. Ảnh: Tập đoàn Hoa Sen

Với lượng sản xuất lớn, theo thông tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) tiêu thụ điện trong lĩnh vực cao su và nhựa đã tăng từ 5,7 tỷ kWh năm 2016 lên 7,62 tỷ kWh trong năm 2019. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mục tiêu "Net-Zero" đến năm 2050, mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng bình quân đối với ngành sản xuất nhựa 18 - 22% giai đoạn đến năm 2025 và 21 - 24% giai đoạn đến năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN thực hiện tiết kiệm năng lượng. Thế nhưng, VPA cho biết, hiện nay mức độ tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng của DN ngành nhựa còn hạn chế khi cần phải đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất với chi phí rất lớn trong khi đó đại đa số DN có nguồn vốn hạn hẹp.

 

Phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất EPR sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2024 đối với các sản phẩm gồm pin - ắc quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì; từ ngày 1/1/2025 đối với các sản phẩm điện, điện tử; từ ngày 1/1/2027 đối với phương tiện giao thông.

Bên cạnh vấn đề năng lượng, ngành nhựa còn phải đối diện với thách thức liên quan đến quy định phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2024. Nhiều DN cho biết, dự thảo định mức chi phí tái chế Fs trong triển khai EPR vừa được Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ ngày 27/7/2023 có nhiều định mức tái chế Fs rất cao bất hợp lý, gây khó khăn rất lớn cho sản xuất, kinh doanh, cần điều chỉnh cho hợp lý.

Tại dự thảo, định mức chi phí tái chế (Fs) là vấn đề khi có một số Fs cao hơn cả mức trung bình của 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ, như của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần… Nguyên nhân chính là do chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn để tính Fs khi chưa trừ đi giá trị thu hồi được.

Bên cạnh đó, chỉ riêng 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại, phí tái chế ước tính là 6.127 tỷ đồng mỗi năm. Cộng thêm nhiều nghìn tỷ đồng phí tái chế cho các loại bao bì, phương tiện giao thông, sản phẩm thải bỏ khác. Đây là một khoản chi phí rất lớn, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tổng Thư ký VPA Huỳnh Thị Mỹ đặt bài toán, nếu một tháng DN bán ra thị trường nội địa 100 tấn sản phẩm PP (dựa trên hóa đơn chứng từ của DN), đồng nghĩa tháng đó DN có nghĩa vụ thu hồi lại 15% tức là 15 tấn phải tái chế. Như vậy, nếu một DN có doanh thu 200 tỷ đồng/năm trước đó, thì theo mức phí Fs được áp dụng DN phải đóng khoảng 4 tỷ đồng.

Cần điều chỉnh hợp lý

Để thực thi EPR được hiệu quả, hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất, kinh doanh, VPA cùng nhiều hiệp hội khác mới đây đã gửi thư lên Bộ trưởng Bộ TN&MT và 8 bộ có liên quan. Trong đó, thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm (tức nộp vào tháng 4/2025), để DN vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn, giống với cách nộp thuế thu nhập DN là nộp vào đầu kỳ sau.

Lý giải vấn đề này, đại diện các hiệp hội cho biết, số tiền ước tính lên tới nhiều nghìn tỷ đồng phải nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam từ đầu năm 2024 cho sản phẩm dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong năm 2024 (tức là phần lớn chúng chưa đưa ra thị trường) sẽ khiến rất nhiều DN càng thiếu vốn trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn cho nền kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn, giải pháp này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, từ đó ổn định, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các hiệp hội cũng đề nghị cho phép các DN thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức. Trên thực tế, nhiều loại bao bì, sản phẩm hiện chưa có giải pháp tái chế hiệu quả, ví dụ bao bì giấy hỗn hợp, pin lithium...

Các DN vẫn đang tìm giải pháp tái chế phù hợp, quá trình này có thể mất nhiều thời gian để thử nghiệm. Và trong quá trình thử nghiệm, chưa thể xác định được số lượng được tái chế. Do vậy, việc kết hợp hình thức tự tái chế và đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế là thực sự cần thiết để khuyến khích DN tìm giải pháp tái chế phù hợp.

Các hiệp hội cũng kiến nghị, quy định rõ trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất phụ tùng; bỏ giới hạn xuất khẩu không quá 20% khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường cho một số sản phẩm trong nước chưa tái chế được, ví dụ như pin lithium. Đồng thời tính trách nhiệm EPR theo nghĩa vụ tái chế cho bao bì chưa có giải pháp tái chế và công nhận phương pháp đồng xử lý như một giải pháp tái chế.

Các Hiệp hội mong muốn Bộ TN&MT cùng các bộ liên quan quan tâm xem xét, tiếp thu các kiến nghị nêu trên để điều chỉnh Fs cho hợp lý và hoàn thiện các quy định nhằm triển khai chính sách EPR hiệu quả hướng tới kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường. Đồng thời hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ.