Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thái Bình: bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Thái Bình ban hành Công văn số 1842/UBND-NNPTTT gửi các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố về việc bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ chứa nước thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng trong mùa lũ năm 2024.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tại văn bản số 24/QGPCTT ngày 8/5 về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa nước thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng trong mùa lũ năm 2024.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về việc vận hành điều tiết xả lũ của hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân khu vực hạ du, ven sông trong thời gian mùa lũ chính vụ từ 15/6 đến 15/9 và trong những tình huống bất thường xẩy ra.

Rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, phương tiện để phòng, vật tư, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động, nhất là đối với phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Thi công cống qua đê thuộc Dự án phát triển cơ sở hạ tầng ven biển hỗ trợ ứng phó  biến đổi khí hậu ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ. Ảmh: Vũ Sinh - TTXVN
Thi công cống qua đê thuộc Dự án phát triển cơ sở hạ tầng ven biển hỗ trợ ứng phó  biến đổi khí hậu ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ. Ảmh: Vũ Sinh - TTXVN

Sẵn sàng các phương án, rà soát, các biện pháp bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ bao gồm có: Đê bối, hệ thống đê điều, công trình đang thi công, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, ven sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò, canh tác nông nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh khác trên bãi song và ven sông.

Tăng cường công tác ngăn chặn, quản lý, xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 3/5 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi; chủ động sẵn sàng hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Tổ chức giải tỏa, thanh thải các bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng trái phép ở bãi sông, lòng dẫn để bảo đảm không gian thoát lũ, chứa lũ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 21/10/2019 về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển.

Xây dựng phương án sơ tán, bảo đảm an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ở bãi sông khi xảy ra lũ lớn; xác định phương án di dân khẩn cấp trong trường hợp xảy ra lũ lớn vượt tần suất thiết kế như vượt khả năng bảo đảm chống lũ của hệ thống đê trên cơ sở phương án hộ đê toàn tuyến của tỉnh đã được phê duyệt.

 Rà soát phương án chống tràn ở các vị trí  đê bối, đê thấp tại các tuyến đê cửa sông, đê biển và có kế hoạch sản xuất phù hợp bảo đảm an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao vùng cửa sông, ven biển đề phòng lũ lớn trong điều kiện triều cường kết hợp nước dâng do bão gây tràn, vỡ bờ bao.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình lũ, thời tiết bão và chủ động triển khai hiệu quả công tác hộ đê, ứng phó với lũ lớn xảy ra, bảo đảm an toàn đê điều.

Phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương để tuyên truyền, phổ biến, ngăn chặn người dân, khách du lịch chụp ảnh, câu cá, vớt củi tại khu vực bãi sông, lòng sông, khi xả lũ để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều; tổ chức theo dõi, phát hiện và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các sự cố đối với hệ thống đê điều theo quy định.

Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều khi có tình huống xẩy ra.

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm đê điều nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê cửa sông, đê song, hành lang đê và khả năng tiêu thoát lũ ở lòng sông, bãi ven sông.

UBND tỉnh đề nghị các sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng và Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó với lũ lớn để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều; nhăn chặn, xử lý, theo dõi các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai.