Thái Lan đối mặt với nguy cơ bất ổn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như dự đoán của giới quan sát, sau nhiều lần trì hoãn, Tòa án hiến pháp Thái Lan hôm 7/5 đã ra phán quyết phế truất Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra với cáo buộc lạm quyền khi thực hiện thuyên chuyển một quan chức an ninh năm 2011.

Theo đó, Hội đồng thẩm phán gồm 9 thành viên đã nhất trí cho rằng, bà Yingluck sẽ phải rời khỏi nhiệm sở vì đã lạm dụng cương vị Thủ tướng để can thiệp vào việc thuyên chuyển Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Thawil Pliensri. Phán quyết trên được công bố chỉ một ngày sau cột mốc 1.000 ngày tại vị của nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan (hôm 6/5) đã đẩy cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia này leo thang lên mức mới.

Nhằm lấp đầy khoảng trống quyền lực sau khi bãi nhiệm bà Yingluck, nội các Thái Lan hôm 7/5 đã chỉ định Bộ trưởng Thương mại Niwattumrong Boonsongpaisan làm Thủ tướng tạm quyền mới. Tuy nhiên, bước đi này chỉ là giải pháp tình thế và chắc chắn những căng thẳng xuất phát từ những mâu thuẫn phe phái tồn tại trên chính trường Thái Lan nhiều năm qua sẽ gia tăng, thậm chí dẫn tới xung đột đổ máu. Trên thực tế, đêm 6/5, cả hai lực lượng chống Chính phủ và ủng hộ Chính phủ đều tổ chức biểu tình, trong khi những người ủng hộ bà Yingluck thề sẽ tiến hành một cuộc tuần hành quy mô lớn vào ngày 10/5 tới để phản đối cuộc lật đổ Thủ tướng "trá hình".

Hiện chưa rõ, những bước đi tiếp theo của các phe phái đứng sau sự kiện lịch sử này tại Thái Lan để ổn định tình hình đất nước và xúc tiến kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 20/7. Nhưng có một điều chắc chắn có thể khẳng định là, bất ổn chính trị kéo dài sẽ tiếp tục làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Việc thị trường chứng khoán nước này đã giảm 15 điểm trong ngày 7/5 cho thấy, các nhà đầu tư ngày càng bất an với bầu không khí chính trị tại nước này. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần