Với việc nhiều quận huyện của Thái Lan vẫn còn ngập chìm trong nước lũ, hàng triệu người Thái ở ít nhất 24 tỉnh thành đang bị lũ lụt hành hoành tại nước này đón chào lễ hội thả đèn hoa đăng (Loy Krathong) tối hôm qua với tâm trạng kém vui nhất trong vòng 50 năm qua. Trước ngày diễn ra sự kiện này, Bộ Văn hóa Thái Lan và chính quyền Bangkok đã thông báo không tổ chức lễ hội Loy Krathong truyền thống lớn như mọi năm, đồng thời khuyến cáo các cơ quan và cộng đồng dân cư tránh thả đèn dễ gây hỏa hoạn tại những khu vực ngập lụt mà dân cư đã đi sơ tán. Công chúng cũng được khuyên nên sử dụng loại đèn hoa đăng được làm từ vật liệu có khả năng tự phân hủy và chú ý tránh làm trầm trọng thêm tình hình thoát lũ bằng đường thủy. Dù vậy, lễ hội Loy Krathong truyền thống vẫn diễn ra tối 10/11 tại 16 công viên có hồ lớn Bangkok và ở cả những khu vực bị ngập lụt, để mọi người cùng tham gia. Không khí vui đón lễ hội tại Chiang Mai và các tỉnh, thành không bị ảnh hưởng nhiều bởi lũ lụt thì được tổ chức hồ hởi hơn, khi rất đông người Thái và người nước ngoài háo hức đổ ra bờ sông hay kéo đến những hồ ao lớn ở gần nhà vào cuối buổi chiều cùng ngày để vui hội và cầu chúc những điều tốt lành. Lễ hội truyền thống Loy Krathong của người Thái thường diễn ra tưng bừng hằng năm vào đêm trăng tròn tháng 12 theo Âm phật lịch của Thái Lan (hay rơi vào tháng 11 Dương lịch) ở khắp mọi nơi trên “đất nước của những nụ cười.” Trong tiếng Thái, “loy” có nghĩa là thả nổi và “krathong” có nghĩa là hoa đăng - được trang trí công phu bằng hoa tươi, lá cây đan kết thành bông hoa sen, có nến và nhang thơm. Thắp sáng krathong rồi thả chiếc hoa đăng có đế làm bằng một khúc nhỏ của thân cây chuối, trái dừa hay vật liệu có thể nổi trên mặt nước này xuống dòng nước là nét đặc trưng của lễ hội, khi tín ngưỡng cùng với nhu cầu vui chơi giải trí hòa trộn với nhau tạo nên tinh thần của ngày hội truyền thống. Lễ hội Loy Krathong luôn là một sự kiện thu hút du khách gần xa, nhất là khi pháo hoa làm rực sáng màn đêm lung linh kỳ ảo, soi chiếu nhiều di tích và cảnh quan hai bên bờ sông. Rất nhiều người tin rằng nếu có thể giữ cho ngọn nến trong krathong cháy tận cho đến khi khuất khỏi tầm mắt thì có nghĩa là krathong đó đã mang đi những điều xấu và đem đến may mắn cho người thành tâm. Tỏ lòng tôn kính với Mẹ Nước và cầu xin Mẹ tha thứ cho hành vi gây ô nhiễm môi trường hay những việc làm không tốt trong quá khứ, hầu hết mọi người dân Thái Lan đều quan niệm rằng vui thả krathong cũng là để cầu chúc cho một năm mới đang đến trong bối cảnh lễ hội mừng Nữ thần nước và mừng ánh sáng thiên nhiên trong đêm trăng tròn là một trong các lễ hội truyền thống của người Thái. Tại một công viên trên đường Sukhumvit ở trung tâm Bangkok, hai bạn trẻ người Thái Anne và Anddy cho biết: “Làm việc ở khu vực gần đây nên chiều tối nay chúng em tới địa điểm này để cùng vui hội thả đèn hoa đăng. Cũng giống như mọi người, chúng em cầu mong những điều tốt lành nhất đến với mình, gia đình và bạn bè, hy vọng về sự khởi đầu lạc quan của mọi việc.” Có mặt tại lễ hội, một người nước ngoài cho phóng viên TTXVN biết: “Tôi đã tham dự ba lễ hội Loy Krathong ở Thái Lan. Tôi có cảm nhận rằng lễ hội năm nay diễn ra không vui và sôi động bằng vài năm trước, có lẽ do tác động của trận lũ lụt tồi tệ tại xứ chùa Vàng.” Theo kết quả cuộc điều tra khảo sát của trường Đại học Thai Chamber of Commerce tại Bangkok, số tiền chi tiêu cho lễ hội Loy Krathong năm nay sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, do trận đại hồng thủy ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu chi tiêu của người dân. Không khí đón chào lễ hội cũng kém vui hẳn do nhiều người lo ngại về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế và giá cả tăng cao. Lũ lụt kéo dài từ cuối tháng Bảy năm nay đến nay dự đoán sẽ làm cho kinh tế Thái Lan thiệt hại khoảng 300-500 tỷ bạt và con số này sẽ còn tăng lên gần gấp đôi nếu tiếp tục kéo dài.