Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thái Nguyên đã có 55 dự án do doanh nghiệp Hà Nội đầu tư

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 55 dự án do các DN thành lập tại Hà Nội đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng, chiếm 13,35% tổng vốn đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn của DN trong nước, ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Ngày 21/6, tại TP Thái Nguyên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị “Hợp tác - Phát triển”, nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa hai tỉnh, TP và thống nhất nội dung hợp tác thời gian tới. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự về phía TP Hà Nội còn có: Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản; cùng lãnh đạo các ban của Thành ủy, Ủy ban MTTQ TP… Phía tỉnh Thái Nguyên có lãnh đạo các ban của Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh...
Toàn cảnh Hội nghị
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Xuân Hòa trân trọng cảm ơn đoàn công tác của TP Hà Nội và khẳng định: Tỉnh mong muốn được TP Hà Nội với vị thế trung tâm chính trị, đầu tàu kinh tế của cả nước tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ để Thái Nguyên trở thành một đô thị vệ tinh của Hà Nội; sẽ vừa tạo điều kiện cho Thái Nguyên phát triển trong những năm tiếp theo để thực hiện được lời Bác Hồ dạy trong những lần về thăm tỉnh, vừa giảm áp lực về xã hội cho Hà Nội.
Đại diện TP Hà Nội đánh giá kết quả hợp tác, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Vũ Duy Tuấn cho biết: Thực hiện các nội dung hợp tác giữa hai địa phương đạt được những kết quả quan trọng, phù hợp thế mạnh mỗi địa phương, đóng góp tích cực vào phát triển chung vùng Thủ đô và cả nước. Trong đó, đã phối hợp thực hiện tốt Chương trình kết nối sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên vào hệ thống phân phối tại Hà Nội; hàng tháng, thực hiện rà soát, cập nhật danh sách cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn có thế mạnh trong tỉnh với thị trường Hà Nội; đến nay đã có 43 cơ sở với 44 chuỗi sản phẩm an toàn được kết nối với Hà Nội và các tỉnh khác.
Đáng chú ý, nhằm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 55 dự án do các DN thành lập tại Hà Nội đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng, chiếm 13,35% tổng vốn đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn của DN trong nước, ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, còn có nhiều DN có chủ sở hữu là cá nhân từ TP Hà Nội đến thành lập DN tại Thái Nguyên và tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư khá hiệu quả. Ngoài các dự án đầu tư đã triển khai, sau hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên tháng 7/2018, đã có 22 dự án của 11 nhà đầu tư từ Hà Nội đăng ký đầu tư tại Thái Nguyên thời gian tới.
Về kết nối giao thông, Bộ GTVT đã giao các địa phương từng bước triển khai đầu tư dự án đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, hiện tỉnh Thái Nguyên đang triển khai trước dự án đường Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội đoạn đi Đại Lộ Đông-Tây (thị xã Phổ Yên) dài gần 10km với tổng đầu tư trên 966,4 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực văn hóa-thể thao-du lịch, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Đèo De (xã Phú Đình, huyện Định Hóa) hoàn thành năm 2005 là món quà Đảng bộ và Nhân dân TP Hà Nội tặng Đảng bộ và Nhân dân Thái Nguyên, luôn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, TP Hà Nội cũng đã quan tâm hỗ trợ Thái Nguyên xây dựng một số công trình có ý nghĩa.
Tuy nhiên, đại diện TP nhận định, hoạt động hợp tác giữa hai địa phương chưa tương xứng và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên; với hình thức hợp tác chưa chuyển mạnh sang thực hiện dự án, đề án cụ thể. Vì vậy, nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và vai trò của từng địa phương trong Vùng Thủ đô, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác toàn diện. Trong đó, chú trọng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền ở đô thị và nông thôn; trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các cấp, công tác lập quy hoạch tỉnh, TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Hai bên cũng sẽ tổ chức các hội nghị đầu tư giữa các DN tại Thái Nguyên với các DN tại Hà Nội.
Về giao thông vận tải, hai bên phối hợp kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc như đoạn qua địa phận Hà Nội; phối hợp thống nhất kế hoạch triển khai đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến Vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội theo quy hoạch đã duyệt. Với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tiếp tục phối hợp thực hiện các chương trình liên kết, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhằm hỗ trợ kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, đặc biệt sản phẩm chè, chăn nuôi.
Để tổ chức thực hiện, mỗi địa phương sẽ phân công một phó chủ tịch UBND TP/tỉnh trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc các cơ quan chức năng thống nhất chương trình, cụ thể hóa nội dung hợp tác; giao Sở KH&ĐT của hai địa phương là cơ quan thường trực để triển khai thực hiện.