"Thâm cung bí sử" nước Mỹ những lần Tổng thống ngã bệnh

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt lịch sử nước Mỹ, không ít lần các Tổng thống đương nhiệm buộc phải nói dối về sức khỏe và bệnh tình của mình, thậm chí có khi phải mất hàng chục năm công chúng mới được biết sự thật.

Tổng thống Trump được chở tới Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, gần thủ đô Washington, để nhập viện điều trị hôm 2/10. 
Lý do để giữ bí mật
Tổng thống thứ 45 nước Mỹ Donald Trump hôm 2/10 đã được chẩn đoán mắc Covid-19. Ban đầu, Nhà Trắng cho biết ông có "các triệu chứng nhẹ", nhưng đến tối cùng ngày, ông được chuyển vào Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed. Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows sau đó thừa nhận, ông Trump đã trải qua một giai đoạn "đáng lo ngại" hôm thứ 6, và biến chuyển trong 48 giờ tiếp theo sẽ rất quan trọng đối với tình hình sức khỏe của vị Tổng thống 74 tuổi.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu một Tổng thống đương nhiệm Mỹ đổ bệnh trong đại dịch. Tổng thống Mỹ thứ 28 Woodrow Wilson được cho đã ốm nặng vào tháng 4/1919, khi đại dịch cúm Tây Ban Nha đang hoành hành, đã giết chết 675.000 người Mỹ. Giống như nhiều chính quyền trước đó, Nhà Trắng của Wilson cố gắng giữ bí mật về căn bệnh của Tổng thống, đặc biệt là trong thời điểm ông đang tham dự cuộc đàm phán ở Paris về việc kết thúc Thế chiến I.
"Chính phủ Wilson lo ngại rằng bất kỳ tin tức tiêu cực nào lúc đó sẽ làm giảm giá trị của nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến, làm giảm năng lượng của mọi người" - Giáo sư John Barry tại ĐH Tulane, tác giả cuốn sách The Great Influenza ghi lại đại dịch năm 1918-19 - nói, từ đó cho rằng, việc giữ bí mật trong trường hợp này đã đặt những lợi ích chính trị chung lên trước.
Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Grover Cleveland - người được cho đã lo sợ sức khỏe kém trở thành điểm yếu chính trị của cá nhân - đã trải qua cuộc phẫu thuật miệng bí mật trong đêm, trên một du thuyền riêng ở Long Island Sound. Tế bào ung thư lấy từ miệng của ông Cleveland thậm chí từng được trưng bày vào năm 2000, trong một cuộc triển lãm của Trường Cao đẳng Bác sĩ - một tổ chức y tế có trụ sở tại Philadelphia.
Tương tự, cựu Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson đã bí mật trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một vết thương trên da tay vào năm 1967. Tổng thống Mỹ thứ 34 Dwight D. Eisenhower được cho đã lên cơn đau tim nghiêm trọng vào năm 1955, khi đang đi nghỉ ở Colorado. Ông đã phải nằm viện trong 6 tuần. Nhưng thay vì khuyên Eisenhower không nên tranh cử nhiệm kỳ thứ 2, bác sĩ của ông khuyến nghị rằng có thêm thời gian tại vị sẽ giúp Tổng thống hồi phục.
Theo nhà sử học Robert Dallek, Tổng thống John F. Kennedy đã phải chịu đựng nhiều đau đớn và bệnh tật hơn những gì mọi người biết, khi phải uống tới 8 loại thuốc mỗi ngày, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc kích thích, thuốc ngủ và hormone để giữ cho ông sống sót. Dallek - cũng là người đã viết tiểu sử về Kennedy - đã kiểm tra các hồ sơ y tế của Tổng thống trong 8 năm cuối đời, trước khi ông bị ám sát.
Cố Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. 
Những cái chết bất ngờ
Năm 1944, sau khi lãnh đạo nước Mỹ vượt qua một thập kỷ chiến tranh và suy thoái, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Franklin D. Roosevelt đã được chẩn đoán sớm loạt bệnh nghiêm trọng, bao gồm cao huyết áp, suy tim và viêm phế quản cấp tính. Ông Roosevelt sau đó phải thực hiện chế độ ăn kiêng ít muối và được lệnh bỏ thuốc lá.
Nhưng đối mặt với một cuộc bầu cử lúc đó, Tổng thống và Nhà Trắng đã liên tục đưa ra các tuyên bố trấn an người dân, nói rằng vấn đề của ông Roosevelt đã ít nghiêm trọng hơn nhiều. Cuối cùng, Tổng thống Roosevelt tái đắc cử, nhưng chỉ vài tháng sau, vào ngày 12/4/1945, ông qua đời vì đột quỵ.
Trước đó, năm 1841, Tổng thống Mỹ William Henry Harrison được các bác sĩ chẩn đoán đã viêm phổi do thời tiết lạnh trong lễ nhậm chức của ông. Nhà Trắng không nói với công chúng về việc ông Harrison bị ốm. Chỉ 9 ngày sau khi phát bệnh, Tổng thống Harrison qua đời - đúng 1 tháng sau khi ông tuyên thệ nhậm chức.
Cũng chính từ trường hợp của cố Tổng thống Harrison, báo giới Mỹ bắt đầu thói quen đưa tin về mọi khoảnh khắc của nguyên thủ quốc gia, khiến việc giữ kín tình trạng y tế của Tổng thống trở nên khó khăn hơn trước.
Liên quan đến bệnh tình của Tổng thống, một tổ hợp được gọi là "nhóm phong viên Nhà Trắng" đã ra đời. Vào năm 1881, khi Tổng thống James A. Garfield nằm trên giường bệnh sau khi bị bắn, phóng viên Franklin Trusdell của tờ AP được giao nhiệm vụ ngồi bên ngoài phòng nghỉ của ông Garfield để lắng nghe từng tiếng thở của Tổng thống, từ đó chia sẻ thông tin cập nhật với các phóng viên khác.
"Tôi lắng nghe mọi âm thanh", ông Trusdell viết trong một bức thư gửi vợ mình, "có tiếng chó sủa ở đằng xa, tiếng đài phun nước bắn tung tóe trên bãi cỏ, biệt thự không một bước chân, và Tổng thống đã chìm vào giấc ngủ".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần