Theo đó, nguyên tắc thẩm định bảo đảm đúng quy trình, nội dung và thời hạn thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch; bảo đảm chất lượng và tính khả thi của quy hoạch tỉnh; bảo đảm tính độc lập, công khai và minh bạch về trình tự, thủ tục, hồ sơ, kết quả thẩm định và tuân thủ các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong quá trình thẩm định.
Văn bản áp dụng đối với hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thành lập theo Quyết định số 708/QĐ-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về việc thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy trình thẩm định quy hoạch tỉnh bao gồm: Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh; tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ trình thẩm định; xây dựng kế hoạch tổ chức thẩm định; xin ý kiến trong quá trình thẩm định; triển khai công tác thẩm định; tổ chức phiên họp của hội đồng thẩm định; báo cáo thẩm định; rà soát và lưu trữ hồ sơ quy hoạch tỉnh sau khi kết thúc thẩm định.
Trong đó, về nội dung triển khai công tác thẩm định, quyết định nêu rõ, việc thẩm định quy hoạch tỉnh bắt đầu được thực hiện khi cơ quan thường trực hội đồng thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định và kết thúc ngay sau khi chủ tịch hội đồng thẩm định hoặc phó chủ tịch hội đồng thẩm định được chủ tịch hội đồng ủy quyền kết luận tại phiên họp của hội đồng thẩm định.
Báo cáo thẩm định quy hoạch tỉnh của hội đồng thẩm định được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Quy hoạch. Kết quả thẩm định phải được đánh giá, kết luận về mức độ đáp ứng yêu cầu đối với từng nội dung thẩm định; các kiến nghị đối với cơ quan tổ chức lập quy hoạch tỉnh, cơ quan lập quy hoạch tỉnh và cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tỉnh trên cơ sở tổng hợp phiếu đánh giá của thành viên hội đồng thẩm định.
Nội dung thẩm định bao gồm: Thẩm định về sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt; thẩm định việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch và việc tích hợp các nội dung quy hoạch tỉnh theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 32 Luật Quy hoạch; thẩm định nội dung quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; ý kiến thẩm định chung đối với quy hoạch tỉnh.
Ý kiến thẩm định về sự phù hợp của quy hoạch với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; độ tin cậy và sự đầy đủ của số liệu, dữ liệu, bao gồm sự phù hợp giữa các nội dung của quy hoạch tỉnh so với nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tính đầy đủ và độ chính xác của danh mục các chiến lược, quy hoạch, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ tham khảo trong quá trình lập quy hoạch tỉnh; độ tin cậy và tính đầy đủ của thông tin, số liệu; tính khoa học và khách quan, tính đồng bộ và thống nhất của thông tin, số liệu, dữ liệu đầu vào để xây dựng các nội dung trong báo cáo quy hoạch tỉnh.
Ý kiến thẩm định về nội dung quy hoạch tỉnh bao gồm sự đầy đủ về các nội dung cần thực hiện trong báo cáo quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP; phù hợp của những nội dung đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp của những đánh giá về thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch và xác định vị trí của tỉnh trong vùng.
Đồng thời phải phù hợp của nội dung quy hoạch tỉnh với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và điều kiện thực tế địa phương; tính hợp lý, logic của các mục tiêu, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch tỉnh; tính thực tiễn và khả thi của phương án phát triển được lựa chọn.