Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp Việt vẫn đuối sức

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam rất muốn kết nối hai bộ phận quan trọng của nền kinh tế là DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng gần như sau bao nhiêu năm vẫn không có sự thay đổi.

Thiếu nhà cung cấp trong nước
Trước thềm Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thông báo: "Hiện nay, Samsung đã có 200 nhà cung ứng linh, phụ kiện nhưng phần lớn là DN nước ngoài. Rất tiếc là DN Việt Nam không vươn lên được để trở thành nhà cung cấp cho Samsung".

Ông Kim Heung Soo - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) chia sẻ, Samsung không chủ động đưa các DN nước ngoài vào Việt Nam. Trong tổng số hơn 200 DN cung ứng cấp 1 (cung cấp trực tiếp) cho Samsung tại Việt Nam chỉ có 29 DN Việt Nam. Ông Kim Heung Soo cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế là đa số các DN địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các DN FDI.
 Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Samsung Việt Nam.  Ảnh  Hải Linh
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, thường thì các DN FDI dựa vào hệ thống nhà cung cấp cấp 1 của họ ở nước ngoài để có nguồn cung đầu vào. Như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các DN FDI chủ yếu phàn nàn về việc thiếu các nhà cung cấp trong nước. Đối với ngành công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa của ngành này rất thấp, chỉ chiếm khoảng từ 10 - 20%, trong khi Thái Lan tỷ lệ này chiếm đến 45%... Tình hình cũng tương tự, có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật ở ta cần đến công nghệ hỗ trợ, kể cả có những ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng lại đang phải nhập khẩu tới 80 - 85% nguyên liệu.

Nghịch lý người Việt thông minh, doanh nghiệp yếu

Tại một hội thảo cuối năm ngoái, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Mại từng đề cập đến 3 câu chuyện đáng bàn tại Samsung. Thứ nhất, lao động bình thường làm việc tại Samsung Bắc Ninh chỉ học hết phổ thông, được đào tạo 1 - 2 tháng. Sau vài năm, những người này đạt được 80% năng suất lao động của người Hàn. Thứ hai, Samsung có trung tâm công nghệ cao ở Hà Nội, ở đó có hàng nghìn người Việt Nam là kỹ sư phần mềm. Thứ ba, cấp quản lý tại các nhà máy đặt tại Việt Nam đa phần là người Việt, từ đốc công đến marketing, nhân sự…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Hướng doanh nghiệp lớn vào sản xuất, kinh doanh

Ngành công nghiệp của Việt Nam trong suốt quá trình công nghiệp hóa đi lên rất nhọc nhằn. Công nghiệp Việt Nam không phát triển được, không có những nhà công nghiệp giỏi để thành tỷ phú là do cả hai nhân tố, một là sức của DN tư nhân trong nước chưa có, nguồn lực trong nước cũng khó khăn; hai là do đường hướng chính sách không cổ vũ DN tư nhân đi vào các ngành công nghiệp. Cần phải có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế VAT, vốn tín dụng đầu tư. Đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường xúc tiến và hỗ trợ mở rộng thị trường cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Không chỉ Samsung, các công ty nước ngoài như Intel đánh giá rất cao lao động Việt Nam. Ngay cả Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định người Việt Nam rất thông minh và đang làm việc ở khắp nơi mà chưa tận dụng được. Như vậy, vấn đề không hẳn do lao động Việt mà do bản thân DN Việt yếu không có nguồn lực thu hút lao động chất lượng cao. Một công ty cung cấp sản phẩm cho công ty Nhật Bản chia sẻ, không bán trực tiếp mà bán qua một công ty trung gian. Nghĩa là, dù có tham gia vào chuỗi nhưng DN nội địa vẫn chưa đủ lực để cung ứng tận tay nhà sản xuất cuối cùng. Theo Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam mới chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng cho DN FDI nhưng chủ yếu là phụ tùng thay thế chứ chưa sản xuất được sản phẩm chính. Trong số đó, chỉ có 2% là DN lớn.

Ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Eurocham, đồng thời là đồng Chủ tịch VBF giữa kỳ năm nay lý giải, DN FDI ở Việt Nam vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì dùng các công ty Việt Nam vì các DN Việt thường có quy mô quá nhỏ, quá thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý và bán sản phẩm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu. Để giải quyết vấn đề trên, ông Tomaso cho rằng, các công ty hiện nay cần được tập trung thành công ty lớn, có đủ khả năng tham gia vào những hoạt động kinh doanh phức tạp hơn.

Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam Koji Ito: Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân

Một trong những trách nhiệm của Chính phủ là đề ra những quy định tạo điều kiện cho DN có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa nhưng vẫn đảm bảo kỷ cương chặt chẽ. Cần vận động cải thiện môi trường kinh doanh để hướng DN đầu tư KHCN để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Song song đó, có chính sách hỗ trợ phát triển khối DN tư nhân, khi khu vực DN này đóng góp khoảng 10% GDP là một tỷ lệ quá nhỏ, trong khi đây là lực lượng quan trọng trong hội nhập và tham gia vào các chuỗi giá trị.