Tham gia TPP giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng cải cách mạnh mẽ DNNN, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, kể cả DN FDI.

Tại Hội thảo “Quốc hội với việc đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do” (FTAs), diễn ra ngày 17/4 tại TPHCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực chủ động tham gia đàm phán, ký kết 8 FTA song phương, gia nhập WTO, đàm phán nhiều FTA đa phương và khu vực.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) như TPP, FTA Việt Nam-EU…

Với Hiệp định TPP, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho biết TPP sẽ có phạm vi rộng hơn, yêu cầu thực thi cao hơn và khả năng tác động thể chế lớn hơn, rộng hơn.

Những nội dung mà WTO đang điều chỉnh và Việt Nam đã cam kết thì với TPP, chúng ta sẽ phải cam kết sâu rộng hơn, với lộ trình tự do hóa nhanh hơn. Những nội dung không có trong WTO hoặc Việt Nam chưa cam kết trong WTO thì phải đưa vào TPP như đầu tư công, mua sắm Chính phủ, chính sách cạnh tranh và DNNN,…

 
Tham gia TPP giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường - Ảnh 1
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, khi tham gia TPP, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những nội dung không trực tiếp mang tính thương mại nhưng có liên quan đến thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, môi trường, lao động-công đoàn…

Tác động đến thể chế kinh tế

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng khi tham gia các FTAs, đặc biệt là TPP sẽ tạo động lực cải cách thể chế, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường. Qua đó, bảo đảm việc phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Theo ông Tuyển, thể chế là yếu tố quyết định nhất đến sự phát triển nhanh và bền vững chứ không phải là  các lợi thế tự nhiên (tài nguyên, vị trí địa lý..). Thể chế tạo ra lợi thế so sánh động và đây chính là lợi ích dài hạn khi tham gia TPP. Tăng trưởng xuất khẩu, thu hút mạnh đầu tư là kết quả cụ thể của quá trình hoàn thiện thể chế theo yêu cầu khi tham gia các FTAs, trong đó có TPP.

Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng cải cách mạnh mẽ DNNN, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả với DN FDI. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, loại bỏ mọi hình thức trợ cấp trái với quy định của WTO. Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có thể tiên liệu được và thị trường cạnh tranh bình đẳng. Tăng cường thể chế thực thi và chế tài xử phạt; bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xử lý tranh chấp.

Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, Việt Nam sẽ phải định vị lại vai trò của 3 trụ cột trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại là thị trường, Nhà nước và xã  hội. Trong đó, thị trường giữ vai trò quyết định trong việc phân bố nguồn lực. Nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết thị trường và thực hiện chức năng kiến tạo phát triển và chiến lược tăng trưởng.

Một số đại biểu cũng chia sẻ, TPP sẽ tạo "sức ép" pháp lý để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh, đồng thời cũng tạo điều kiện để chúng ta xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần