Thảm họa kháng thuốc - Bài 1: Mua kháng sinh dễ như mua rau

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới. Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, nguy cơ không còn thuốc chữa. Và còn đó những cái chết đau lòng khi bác sĩ biết bệnh mà không thể cứu.

Bài 1: Mua kháng sinh dễ như mua rau
88% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn, con số thống kê ấy khiến nhiều người giật mình. Không quá khi nói rằng, việc mua bán kháng sinh tại các hiệu thuốc ở nước ta hiện nay dễ như mua rau. Và hậu quả của nó vô cùng khủng khiếp, điều không phải ai cũng có thể lường trước.
Nhà nhà làm… bác sĩ
Thấy bé Bin sốt, ho, sổ mũi, thay vì đưa con đi khám, chị Nguyễn Liên Châu (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) liền ra hiệu thuốc tự mua thuốc điều trị cho cháu. Những loại kháng sinh quen thuộc như Azithromycin, Zinat, Zithromax… chị cho con dùng như cơm bữa. Lần này, bé Bin tiếp tục ho dai dẳng lâu ngày dù đã được dùng kháng sinh một tuần liền. Khi đưa con đến khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai khám, bác sĩ cho biết, con chị bị ho dị ứng, phải dùng thuốc dị ứng, không cần đến kháng sinh. Lúc này chị mới hối hận vì đã nhiều lần cho con dùng kháng sinh “oan”.
Cũng  như chị Châu, cứ mỗi lần con sốt, viêm họng, chị Trần Hồng Vân (Văn Quán, Hà Đông) đều chạy ra hiệu thuốc đầu ngõ tự mua kháng sinh cho con. “Cứ sốt, viêm họng phải kháng sinh mới khỏi, có đi khám thì cũng thế thôi, đằng nào bác sĩ chả kê kháng sinh, mà trẻ con thì cứ Augmentine, Zithromax cho… lành”. Đây là quan điểm của chị Vân, thế nhưng, có lần dùng kháng sinh nhiều ngày liền không khỏi, đưa con đến BV Nhi T.Ư khám thì con chị đã bị viêm phổi nặng, phải thở oxy.

Mua bán thuốc trên đường Láng Hạ, Hà Nội.  Ảnh: Quỳnh Linh

Theo thống kê tại BV Nhi T.Ư, cứ mỗi dịp thời tiết thay đổi, đặc biệt vào mùa Đông, trẻ nhập viện do bệnh hô hấp tăng cao. Hầu hết các bệnh nhi khi vào bệnh viện đều đã được gia đình tự ý cho sử dụng kháng sinh. PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết: Rất nhiều phụ huynh không hiểu rõ tác dụng của thuốc kháng sinh, nên cho trẻ dùng một cách bừa bãi, bất cứ bệnh gì cũng dùng kháng sinh cho nhanh khỏi. Điều này vô cùng tai hại, bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn, không có tác dụng với virus. Nếu bệnh gây ra bởi virus thì việc uống kháng sinh không mang lại bất cứ tác dụng nào, ngược lại còn gây hại cho cơ thể. Theo thống kê, có đến 90% các bệnh về viêm đường hô hấp không cần sử dụng kháng sinh. Vì thế, phụ huynh không nên sử dụng kháng sinh tràn lan. “Kháng sinh rất tốt để điều trị các vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng phá hoại các vi khuẩn tốt sống cộng sinh trong đường tiêu hóa vốn rất yếu của trẻ” - PGS.TS Trần Minh Điển lưu ý. Nhiều thầy thuốc cho rằng, vì dễ mua, dễ bán nên kháng sinh ngày càng bị lạm dụng, thậm chí có phụ huynh chưa biết vì sao con sốt, con ho nhưng vẫn cứ “dội” kháng sinh cho yên tâm. Đó là chưa kể nếu dùng sai kháng sinh thì trẻ có thể bị dị ứng thuốc, rối loạn tiêu hóa, sốc phản vệ… Vì thế, việc điều trị dự phòng mà không có sự tư vấn của bác sĩ sẽ không chỉ khiến bệnh thêm khó chữa mà nguy cơ không còn “vũ khí” để chữa bệnh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: “Nhiều trường hợp bố mẹ tự chữa cho con theo cách dự phòng bằng kháng sinh để chặn bệnh ho. Có khi uống tới 2 tuần mà bệnh vẫn không khỏi. Khi đưa con tới bệnh viện, bác sĩ khám mới biết là cháu bé chỉ bị dị ứng thời tiết, mà như thế thì không cần đến kháng sinh, bệnh cũng sẽ tự khỏi”. Cũng theo bác sĩ Dũng, có hàng trăm lý do khiến trẻ ho hoặc viêm mũi họng. Đó có thể là do dị ứng thời tiết, do các loại dị nguyên khác nhau có trong không khí, bụi, hóa chất, khói thuốc nhưng cũng không loại trừ đây là bắt đầu của một bệnh nào đó như cảm cúm, viêm phế quản, hen…
Căn bệnh khó chữa
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc BV Nhi T.Ư cho rằng, từ trong ý thức sử dụng thuốc của nhiều người dân Việt Nam, vẫn có ý thức mua thuốc theo kiểu truyền tai, một người dùng khỏi bệnh, nhiều người sẽ mua theo. “Chính sự mua thuốc thiếu trách nhiệm với ngay bản thân mình, với người bệnh đã trở thành “căn bệnh khó chữa”, hậu quả vô cùng nguy hiểm là nạn lạm dụng kháng sinh hiện nay” - PGS.TS Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
 Khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng BV Nhiệt đới T.Ư tiến hành cho thấy, 88% người dân thành thị mua thuốc kháng sinh không có đơn bác sĩ. Con số này ở các vùng nông thôn là 91%. Thêm vào đó, tiền thuốc của bệnh nhân hiện chiếm khoảng 50% chi phí khám chữa bệnh, trong đó thuốc kháng sinh chiếm 33% chứng tỏ mức độ dùng kháng sinh rất cao. 
 Mới đây, bên lề Quốc hội, trước nhiều ý kiến phản ánh việc mua thuốc dễ như mua rau, không cần đơn thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa nhận có thực trạng này mặc dù Luật Dược năm 2005 đã quy định bán thuốc phải theo đơn. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, thứ nhất, đó là do người dân đơn giản hóa bệnh tật, do hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu chưa bao phủ đến hết người dân nên mỗi khi có bệnh người dân đều phải tự mua thuốc. Thứ hai, do các nhà thuốc đạt chuẩn GPP không thực hiện nghiêm luật bán hàng theo toa. Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ Y tế tiếp tục ban hành quy định về bán thuốc cần phải có toa ở các quầy thuốc bán lẻ. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chỉ đạo Sở Y tế địa phương thanh tra, kiểm tra gắt gao cơ sở bán thuốc lẻ, xử nghiêm quầy thuốc vi phạm.
          (Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần