Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thăm hỏi, động viên gia đình mất 3 người con do mưa lớn tại tỉnh Tuyên Quang

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban dẫn đầu đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa lớn gây sạt lở đất tại xã Khâu Tinh, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang).

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai thăm hỏi, động viên gia đình anh Phùng Văn Giờ.
Đêm 23/8 rạng sáng 24/8, mưa lớn đã xảy ra tại xã Khâu Tinh. Tổng lượng mưa ghi nhận được trong ít giờ lên tới 131,6mm. Mưa lớn đã gây sạt lở đất vùi lấp một ngôi nhà khiến 3 người dân bị chết. Cụ thể là: Phùng Thị Mai D, sinh năm 2011, Phùng Thị Ngọc M, sinh năm 2012, Phùng Đức T, sinh năm 2015. Cả 3 đều là con của vợ chồng anh Phùng Văn Giờ, sinh năm 1990 trú tại thôn Khâu Phiêng, xã Khâu Tinh. 
Ngoài nhà dân bị sập hoàn toàn của hộ anh Phùng Văn Giờ, mưa lớn còn khiến 2 nhà dân bị sạt lở ta luy dương. Đường giao thông tuyến huyện từ xã Yên Hoa đến Trung tâm xã Khâu Tinh bị sạt lở nghiêm trọng tại 7 - 8 điểm khiến việc đi lại hết sức khó khăn.
Sau khi kiểm tra hiện trường, đoàn công tác đã đến thăm hỏi gia đình anh Phùng Văn Giờ. Tại đây, ông Trần Quang Hoài đã động viên anh Giờ cùng gia đình sớm vượt qua đau thương, mất mát lớn; đồng thời đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ để gia đình anh Giờ cùng các hộ dân chịu ảnh hưởng của đợt mưa lớn 2 ngày vừa qua ổn định cuộc sống. 

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cũng đề nghị tỉnh Tuyên Quang khẩn trương chỉ đạo cắm biển cảnh báo sạt lở, rào chắn không cho người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở. Huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, tập trung rà soát những nơi đang và sẽ có nguy cơ xảy ra sạt lở để khẩn trương di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực đến nơi an toàn.
Cùng với đó, tỉnh cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai. Tăng cường đào tạo, đầu tư các trang thiết bị thiết yếu để xử lý tình huống thiên tai. Đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn rất phức tạp hiện nay.