Họ cứ giản dị, lặng lẽ định kỳ cho đi đến 60, 70, 80, thậm chí hơn 100 lần. Mỗi người một hoàn cảnh, một nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có điểm chung là tấm lòng nhân ái, sẻ chia, hết lòng vì người bệnh, vì cộng đồng.
Bền bỉ trao sự sống
Trong những người hiến tiểu cầu tiêu biểu, có những người cả gia đình 2 thế hệ cùng tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu, vận động người thân, họ hàng, đồng nghiệp cùng tham gia. Có những người vừa mới hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc trở về; có người ở độ tuổi đã ngoại ngũ tuần cũng có những bạn sinh viên vừa mới bỡ ngỡ bước chân vào giảng đường đại học…
Hơn 10 năm, bền bỉ trao sự sống với 72 lần hiến máu, hiến tiểu cầu, anh Huỳnh Hải Bình (sinh năm 1979, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) gắn bó với hiến tiểu cầu thường xuyên 3 năm nay. Anh Bình tâm sự, từ năm 2010, anh và cả gia đình cùng hiến máu để truyền cho bố nằm viện. Từ sau đó, anh cùng chị gái Huỳnh Thị Mỹ An (sinh năm 1975, Hoàng Mai, Hà Nội) đều đặn hiến máu và sau đó tham gia hiến tiểu cầu từ năm 2012. Hiểu được sự quý giá của những đơn vị máu, đơn vị tiểu cầu đối với người bệnh nên anh cũng cố gắng vận động không chỉ người thân trong gia đình mà còn cả anh em đồng nghiệp, đối tác,… để nhiều người biết và có thói quen hiến máu thường xuyên.
“Năm 2021, tôi hiến tiểu cầu 13 lần. Việc mang lại niềm vui và niềm hy vọng cho những người bệnh là ý nghĩa lớn nhất của những người hiến tiểu cầu. Có lẽ vì cảm hứng đó, ông xã cũng theo tôi có hơn 10 năm hiến máu. Con trai đầu của tôi đã “giải mã” sự tò mò vì sao bố mẹ và cậu tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu liên tục bằng việc tham gia hiến máu tình nguyện lần đầu tiên vào năm tròn 18 tuổi và giờ trở thành thành viên đội vận động hiến máu tình nguyện Đại học Bách Khoa” – chị Huỳnh Thị Mỹ An tâm sự.
Đặc biệt, từng phục vụ trong quân đội và có nhiều năm công tác tại quần đảo Trường Sa, tinh thần của người lính vẫn nguyên vẹn khi đã về hưu; đều đặn hàng tháng, ông Trần Văn Toan (sinh năm 1965, Mê Linh, Hà Nội) vẫn cùng vợ tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu bất kể mưa, nắng, miễn có đủ sức khỏe là hiến. Ông Toan chia sẻ, nhiều năm xa nhà, đã đi thực hiện nhiệm vụ từ Lào Cai, Hà Tiên, ra cả quần đảo Trường Sa, nhiều khi xem tivi thấy có những gia đình có con không may mắc bệnh về máu phải lặn lội về Hà Nội để chờ có được máu điều trị rất thương. Vì thế, khi còn sức khỏe ông nghĩ cần phải góp phần sức nhỏ bé của mình.
“Thế nên, tuy đã gần 60 tuổi nhưng tôi thấy sức khỏe vẫn còn tốt, vẫn còn có thể hiến máu cứu người bệnh, giúp ích cho đời nhưng tôi luôn sẵn sàng. Khi mình chiến đấu tại biển đảo, tính mạng còn không nghĩ đến nên khi hiến giọt máu rất đơn giản. Tôi chỉ mong đủ ngày để đi ra viện hiến tiểu cầu” - ông Toan tâm sự.
Ông Toan bắt đầu tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu từ năm 2017, khi lên thăm con gái học đại học Sư phạm Hà Nội 2. Tuy lần đầu tiên đăng ký hiến máu “không thành” vì huyết áp không ổn định, chỉ có con gái hiến được, còn ông phải hoãn nhưng vẫn nuôi quyết tâm cố gắng để tham gia. Những lần sau đó, cứ đủ 21 ngày, có đủ sức khỏe là ông lại đi hiến tiểu cầu ngay, kể cả những lúc giãn cách vì dịch bệnh. Nhà cách viện 18 km nhưng cứ trung bình một tháng, ông lại đến viện hiến tiểu cầu. Đến nay, ông đã hiến tiểu cầu 17 lần và vợ ông hiến 14 lần. Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp mà vợ chồng ông Toan vẫn thực hiện bấy lâu nay, con trai út Trần Văn Trường (18 tuổi) cũng lần đầu tiên theo bố tham gia hiến máu trong ngày đầu năm 2022. “Đến nay, tôi đã hiến máu 24 lần, trong đó, 17 lần hiến tiểu cầu và đặc biệt tôi cũng vận động vợ tôi (hiến 14 lần) và con tôi cùng tham gia hiến máu cứu người. Tôi rất tự hào khi động viên được cả gia đình có thể cùng nhau làm việc có ý nghĩa cho cộng đồng” - ông Toan chia sẻ.
Đồng hành “kề vai sát cánh”
Lâu nay, nhóm 3 người bạn thân ở Hà Nội là chị Đỗ Thị Phương Hoa (sinh năm 1975, quận Đống Đa), chị Trần Thị Hồng Oanh (sinh năm 1984, quận Hai Bà Trưng) và chị Phạm Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1972, quận Bắc Từ Liêm) luôn đồng hành, sát cánh cùng nhau đi hiến tiểu cầu.
Là một trong những người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021, chị Trần Thị Hồng Oanh tâm sự, lần đầu hiến tiểu cầu vào khoảng 2 năm trước, chị Oanh bất ngờ bị tối sầm mặt mũi, tay chân bủn rủn. Bác sĩ bảo do ven tay chị khá nhỏ, máu không trả về được nên gây tình trạng trên. Sau 10-15 phút cấp cứu, chị mới hồi tỉnh, có phản ứng trở lại. 21 ngày sau đó, gác lại nỗi sợ, chị vẫn quyết tâm đi hiến tiểu cầu. Lần này, do đã thông báo với các bác sĩ từ trước, quá trình hiến hơn 1 tiếng diễn ra suôn sẻ. Từ đó tới nay, chị hiếm khi bỏ lịch hiến tiểu cầu, riêng năm 2021 đã có tới 16 lần.
Đặc biệt, chị tham gia một câu lạc bộ tình nguyện, thường xuyên qua Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để giúp đỡ các bệnh nhân. Chị luôn thấy lòng quặn thắt trước hình ảnh những bệnh nhi ung thư máu trực chờ máu, tiểu cầu của mọi người. Đó cũng là lý do chị luôn cố gắng duy trì việc hiến máu, hiến tiểu cầu. Chị luôn gắng giữ gìn sức khoẻ, từ ăn uống đến sinh hoạt để làm sao đủ điều kiện hiến. Lúc nào cũng như lần đầu, hồi hộp vì không biết trong 21 ngày mình ăn uống đơn giản như vậy thì có đủ sức khoẻ không. Nhưng may mắn là tới nay, lần nào cũng đủ điều kiện hiến đúng lịch. Thấy chị Oanh rất khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, các chỉ số xét nghiệm đều tốt sau nhiều năm hiến máu thường xuyên, gia đình từ lo lắng đã chuyển sang ủng hộ. Đến nay, chị đã có tổng cộng 44 lần hiến máu và hiến tiểu cầu. Riêng năm 2021, chị đạt kỷ lục của chính mình với 16 lần hiến tiểu cầu trong năm.
Bên cạnh những người bạn thân thiết, chị Oanh còn được ông xã ủng hộ và đồng hành trong chặng đường góp sức cho những người cần. Anh Tuấn, chồng chị Oanh cho rằng, ý nghĩa quan trọng nhất là “việc hiến máu, hiến tiểu cầu không chỉ đơn giản là cho người bệnh một phần cơ thể mình, mà còn cho họ hy vọng sống để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”. Hiện ông xã chị cũng nhiều lần tham gia hiến tiểu cầu cùng vợ. Có người thấy chị và những người bạn hiến tiểu cầu về mà khỏe mạnh, nhanh nhẹn và nhiều năng lượng nên rất yên tâm cho con họ tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu. Họ rất vui vì đã truyền cảm hứng hiến tiểu cầu đến nhiều người. “Giải thích nhiều nên càng ngày mọi người càng cảm nhận được sự tích cực của tôi khi tham gia hiến tiểu cầu thường xuyên. Tôi rất vui vì đã truyền cảm hứng làm việc tốt đến cho nhiều người” – chị Oanh bày tỏ.
TS Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm máu Quốc gia cho biết, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã lây lan mạnh trong cộng đồng, việc phải đảm bảo giãn cách, phòng dịch ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động. Ngành y tế vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh; đồng thời phải đảm bảo đủ lượng máu và các chế phẩm máu phục vụ cho điều trị. Vào những thời điểm khó khăn nhất, vất vả nhất khi thiếu nguồn người hiến máu, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương vẫn luôn nhận được sự đồng hành “kề vai sát cánh” của người dân, cộng đồng.
Tri ân những người đã dành "Giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng", TS Trần Ngọc Quế xúc động khi mỗi người một hoàn cảnh, một nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có điểm chung là tấm lòng nhân ái, sẻ chia, hết lòng vì người bệnh, vì cộng đồng. Đặc biệt, có gần 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn người hiến tiểu cầu thường xuyên - những người đã thầm lặng, bền bỉ vượt qua đại dịch, dành thời gian hàng tiếng mỗi lần đi hiến tiểu cầu để chia sẻ với người bệnh.
Nhiều người đã hiến máu và hiến tiểu cầu 60, 70, 80, thậm chí hơn 100 lần. Trong đó riêng hiến tiểu cầu tình nguyện trong năm 2021 có người đã đạt 17 lần.
Theo thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, năm 2021, Viện đã điều chế được 41.267 đơn vị tiểu cầu, được tiếp nhận từ 33.314 lượt người hiến, trong đó 65% là hiến tình nguyện, có nhiều người đã đều đặn hiến tiểu cầu hàng tháng. Số lượng người hiến tiểu cầu tình nguyện và người hiến tiểu cầu thường xuyên ngày càng tăng lên cho thấy sự quan tâm hưởng ứng của cộng đồng ngày càng lớn. Nhờ có lượng tiểu cầu tiếp nhận được từ người hiến tiểu cầu nên Viện đã cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh/TP khu vực phía Bắc.
Khác với những thành phần máu khác, tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu cũng là thành phần máu có vai trò quan trọng trong điều trị những bệnh lý và người bệnh có liên quan đến những rối loạn đông cầm máu, thường là những trường hợp rất nặng nề, liên quan tới tính mạng người bệnh. Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu; nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 – 5 ngày). Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (từ 60 – 100 phút so với hiến máu toàn phần chỉ mất 5 phút). Nhưng chỉ sau hiến tiểu cầu 2-3 tuần là có thể hiến nhắc lại.