Tham nhũng, lãng phí là vấn đề được đặc biệt quan tâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham nhũng, lãng phí, an toàn thực phẩm là những vấn đề được rất nhiều ĐB Quốc hội đề cập đến trong phiên thảo luận sáng nay (1/4).

Ngày 1/4, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020. Trong đó, vấn đề tham nhũng, lãng phí, an toàn thực phẩm… được đặt biệt quan tâm.

Chưa thấy ai bị xa thải vì lãng phí

Tham nhũng, lãnh phí là một vấn đề được rất nhiều ĐB đề cập đến trong phiên thảo luận sáng 1/4. ĐB Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) đề nghị phải coi giải pháp phòng chống tham nhũng lãng phí lên hàng đầu, là mối nguy hiểm hưng thịnh của quốc gia. Bởi tham nhũng chính sách, cán bộ, tham nhũng có mối liên kết không chỉ 1 cấp, ngành mà còn đông hơn. Và thật nguy hiểm, chống tham nhũng còn nể nang né tránh, còn lãng phí thì chưa thấy ai vị xa thải kỷ luật về lãng phí.

“Cho nên chúng ta cần đánh giá lại, coi là nhiệm vụ đặc biệt và quyết tâm cao hơn. Kỳ này mong Thủ tướng Chính phủ mới thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mạnh mẽ nói về Biển Đông. Quyết tâm chống giặc nội xâm phải như quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, ĐB Hùng nói.
Sáng 1/4, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại hội trường.
Sáng 1/4, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại hội trường.
ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), nhiều người thi hành công vụ chưa coi mình là công bộc của người dân, không nghĩ rằng mình sinh ra là để phục vụ nhân dân, một khi cơ chế xin cho còn đất sống thì thì doanh nghiệp, người dân còn bị nhũng nhiễu vì đã là xin thì phải có cái gì đó mới cho. “Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt đến mức người đứng đầu Đảng phải đặt ra câu hỏi cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển, vậy ai chạy? chạy ai?. Hay khi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước đầy băn khoăn trăn trở về quốc nạn tham nhũng. Phó Chủ tịch nước thì day dứt, đau lòng trước tình trạng họ  ăn của dân không từ một cái gì. Nhiều ĐB lo ngại quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách”, ĐB Tiến nêu và nhắc lại câu nói của người xưa: “Dân vạn đại, quan nhất thời, người xưa đã dạy, học rồi chớ quên” như lời căn dặn đối với người ứng cử và các ĐB Quốc hội lần đầu sẽ tham gia Quốc hội khóa tới.

Giải thích rõ ràng về nợ công    

Dẫn chứng nợ công đang tăng chóng mặt trong những năm gần đây, mỗi năm tăng thêm 2%/GDP và 4% trong năm 2015. Các khoản nợ  đang bào mòn ngân sách, đi vay nhưng sử dụng không hiệu quả, do vậy để kìm hãm nợ công phi mã Chính phủ, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng: Cần quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng các nguồn vốn vay lớn. Ngân sách cạn kiệt chi tiêu không quản lý chặt chẽ làm cho bội chi năm này qua năm khác, không có tiền để trả nợ mà vay để trả nợ cũ cho thấy quản lý ngân sách đang có vấn đề, cho nên cần khắc phục tình trạng trên trong nhiệm kỳ tới. 

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): “Nợ công tăng nhanh, giảm lãi suất ngân hàng gặp khó khăn, nợ Chính phủ vượt trần thì phải giải thích rõ cho cử tri. Số lượng doanh nghiệp giải thể ngày càng tăng, các giải pháp cần đặt trong 2 bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu. Vì vậy cần giám sát nợ công, nợ nước ngoài, kiểm soát chặt các khoản vay ODA, chỉ dành cho “cấp thiết” chứ không phải “cần thiết”. Cải cách hành chính tinh gọn hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng tốt nhất, tăng năng suất lao động, đồng thời đổi mới máy móc công nghệ hiện đại và đề nghị cần phải làm ngay trong 5 năm tới.

Nông nghiệp vẫn “nóng”

Đề cập đến vấn đề nông dân, nông thôn, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắk Nông) đề nghị, phải giải quyết căn cơ tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp trong và ngoài nước. Bởi nếu giải quyết được thì thị trường tương đối ổn định. “Cần khoanh nợ cho người nông dân có vay vốn ngân hàng khi bị thiên tai hạn hán”, ĐB Hạnh kiến nghị.

“Lo lắng, lo âu” cũng là điệp khúc được ĐB Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) nhiều lần nhắc lại trước bối cảnh đời sống nông dân, bấp bênh nhất là trong bối cảnh hội nhập. Nông nghiệp bị tác động nhiều bởi tự nhiên, hạn hán, ngập mặn, điều đó cho thấy dự báo ngắn hạn chưa đáp ứng kịp thời trước biến đổi khí hậu, lâu nay chỉ tập trung vào dài hạn trong khi nông dân cần ngắn hạn. Vì vậy mà theo ông “phải đầu tư khoa học công nghệ, quy hoạch kết cấu hạ tầng thủy lợi cấp nước”.

“Làm sao để nông dân đứng vững trong thời điểm hội nhập, ít bị tác động nhiều đến thị trường, chúng ta đã làm gì để giúp cho nông dân hay cứ để họ “bơi” khi chưa biết “bơi”, ĐB Đỉnh đặt câu hỏi và đề nghị cần có giải pháp cho nông dân khi hội nhập, trong đó tính cạnh tranh của nông sản với các mặt hàng chủ lực như: Lúa, cà phê, cao su; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chăn nuôi theo đặc sản chứ không rộng như hiện nay; trồng trái cây theo mùa vụ.