Là người chứng kiến sự chuyển mình của kinh tế Việt Nam những năm qua, ông Grzegorz Rybarski - Tham tán thứ nhất, Phòng Kinh tế - Chính trị, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, có chia sẻ về vấn đề này với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Ông Grzegorz Rybarski - Tham tán thứ nhất, Phòng Kinh tế - Chính trị, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam. Ảnh: Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam |
Được định vị để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do
Theo ông Grzegorz Rybarski, trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam phát triển ấn tượng. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh thông qua những cải cách kinh tế mang tính đột phá. Sự ổn định kinh tế vĩ mô đóng vai trò rất quan trọng thu hút dòng vốn FDI liên tục và thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế vẫn tương đối kiên cường trước những cú sốc bên ngoài. Việt Nam được định vị để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này sẽ xóa bỏ rào cản thương mại và đầu tư, đồng thời giúp cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Đối với Ba Lan và các nước châu Âu khác, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) là công cụ quan trọng nhất để thúc đẩy hợp tác kinh tế lẫn nhau.
"EVFTA là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ bền chặt và hiệu quả của chúng tôi, mà chúng tôi đã tận hưởng trong nhiều năm. Đây là một ví dụ rất hay về mối quan hệ cùng có lợi, hợp nhất các lĩnh vực hợp tác hiện có và mở ra những quan điểm mới.
Mối quan hệ Việt Nam - Ba Lan trong suốt 70 năm qua vô cùng bền chặt. Chúng tôi coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng và hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á. Trong khi nền kinh tế Ba Lan nằm trong số phát triển nhanh nhất châu Âu. Do vậy, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thương mại hai chiều sẽ tăng mạnh so với mức 3,2 tỷ USD vào năm 2019", ông Grzegorz Rybarski nói.
Cũng theo Tham tán Đại sứ quán Ba Lan, ở Ba Lan có một cộng đồng người Việt lớn mạnh và lượng lớn sinh viên Việt Nam, nhiều người trong số đó ở Hà Nội, tốt nghiệp các trường đại học Ba Lan, đã đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương, đặc biệt hợp tác khoa học và kinh doanh.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang cải thiện một cách có hệ thống cùng với việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu. Một trong số đó là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đánh giá về chất lượng quản trị kinh tế của chính quyền tỉnh trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển. Năm 2019, chỉ số PCI Việt Nam đạt 63,25, cao nhất kể từ năm 2005, phản ánh nỗ lực cải cách với mục tiêu cụ thể là môi trường kinh doanh của tỉnh để tăng sức cạnh tranh quốc gia.
Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất cả nước thông qua sự cải thiện trong bảng xếp hạng PCI hàng năm, đặc biệt là thủ tục hành chính dễ dàng cùng giao thông thuận tiện.
Môi trường kinh doanh được trông đợi sẽ thay đổi tích cực
Ông Grzegorz Rybarski nhận định, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn trông đợi sự thay đổi tích cực hơn.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất là sự đối xử bình đẳng đối với tất cả các công ty và chủ thể kinh tế đang kinh doanh tại Việt Nam, bất kể họ đến từ quốc gia nào. Các công ty cung cấp cùng tiêu chuẩn dịch vụ hoặc chất lượng sản phẩm nên được bình đẳng trong các thủ tục đấu thầu công khai.
"Chúng tôi tin rằng việc triển khai EVFTA sẽ mang lại sự bình đẳng cho các công ty nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam", ông Grzegorz Rybarski cho biết thêm.
Tham tán Đại sứ quán Ba Lan nhấn mạnh, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư và kinh doanh cũng rất quan trọng. Một số luật vẫn chưa rõ ràng, gây ra sự giải thích không thống nhất ở các doanh nghiệp và chính quyền.
Một khuyến nghị khác là cải thiện cơ sở hạ tầng dù thời gian gần đây đã thay đổi rõ rệt. Vấn đề quan trọng nhất là phát triển cơ sở hạ tầng cần đi đôi với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, việc nâng cao trình độ quản lý và lực lượng lao động cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Điều này sẽ bắt đầu từ nền tảng giáo dục, các trường đại học Ba Lan sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam trong học thuật cũng như quản trị kinh doanh.