Đó là ý kiến của hầu hết các địa biểu tại Hội nghị Tham tán thương mại do Bộ Công Thương tổ chức (14/12).
Chưa năng động
Bộ Công Thương dự báo trong năm 2011 tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010. Để có được thành công đó TTTM đã góp một phần đáng kể vào việc cung cấp thông tin, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ DN trong việc tiếp cận và phát triển thị trường xuất khẩu (XK). TTTM đã kịp thời cảnh báo những rủi ro tranh chấp thương mại, nguy cơ kiện bán phá giá gây khó khăn, bất lợi cho hoạt động XK.
Tuy nhiên, trong năm qua hoạt động của TTTM vẫn còn nhiều bất cập. Quan hệ của một số TTTM với DN nước sở tại và DN trong nước chưa chặt chẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động XTTM chưa cao. TTTM chưa tận dụng những thành quả trong đàm phán về mở cửa thị trường, từ đó cung cấp kịp thời thông tin cho DN. Vì vậy, DN Việt Nam không tận dụng được tối đa những cơ hội do hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế mang lại. Việc triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều bất cập.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọ- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lê: Hoạt động của TTTM chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời về nhu cầu thông tin của các DN về tình hình thị trường, giá cả. Vừa qua, một số mặt hàng trong nước "sốt" giá nhưng TTTM không cung cấp được thông tin chính xác về tình hình cung ứng mặt hàng này tại thị trường thế giới. Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Thành Biên, mặc dù các TTTM thường xuyên gửi báo cáo tình hình thị trường nhưng nội dung báo cáo còn nghèo nàn, vẫn chỉ dừng lại ở mức nêu thực trạng mà chưa chỉ rõ được nguyên nhân cũng như đề xuất biện pháp giải quyết. Không chỉ có vậy hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc XTTM còn lỏng lẻo dẫn đến hiệu quả của hoạt động này còn hạn chế.
Nhiều kỳ vọng
Trong năm 2012, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 108,5 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2011. Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Để đạt được mục tiêu này hoạt động XTTM, tìm kiếm bạn hàng, thị trường mới là rất quan trọng. Chính vì vậy trong thời gian tới các TTTM cần đẩy mạnh hoạt động XTTM, tìm kiếm mở rộng thị trường XK các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất và sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như: Hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thực phẩm chế biến, hoá mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm… Bên cạnh đó, TTTM cần tăng cường vận động đối tác nước ngoài tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên liệu thay thế hàng nhập khẩu, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ XK. Thu hút vận động giới DN kiều bào Việt Nam tham gia hợp tác mở rộng thị trường XK, xúc tiến đấu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút kiều hối. Không chỉ có vậy, các TTTM nên có đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với từng thị trường mà Việt Nam đang nhập siêu.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ, trong thời gian tới các TTTM nên đẩy mạnh việc việc cung cấp thông tin về các tập đoàn bán lẻ ở nước sở tại, kinh nghiệm của các nước trong việc phát triển thị trường bán lẻ; Hỗ trợ DN bán lẻ trong việc tìm khách hàng, từ đó giúp các DN bán lẻ trong nước đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của các TTTM thì bản thân các DN cần chủ động tìm đến TTTM và tận dụng tối đa các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Trong hoạt động XK cũng phải tìm hiểu luật pháp nước sở tại nhằm hạn chế những tranh chấp không đáng có. Các DN khi có nhu cầu lập văn phòng đại diện, ký kết các hợp đồng kinh doanh, đầu tư hoặc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, nên liên hệ trực tiếp với các TTTM, các Vụ quản lý thị trường ngoài nước của Bộ Công Thương để tìm hiểu đối tác cũng như khả năng tiêu thụ hàng hóa.