Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thân phận của người bệnh mang thẻ bảo hiểm y tế

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tràn ngập trên các mặt báo những ngày gần đây là chuyện các bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế. Hậu quả là người bệnh, nhất là người thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế, chịu phần thiệt thòi, có khi ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những người khám chữa bệnh dịch vụ - theo yêu cầu do không vướng cơ chế nên không lo thiếu thuốc.

Nguyên nhân được chỉ ra là khiếm khuyết trong cơ chế đấu thầu, số bệnh nhân tăng vọt sau dịch bệnh, người quản lý bệnh viện “sợ sai” trong mua thuốc…

Với người dân, trong đó có những người tham gia bảo hiểm y tế như chúng tôi e là không hiểu hết mọi góc khuất của vấn đề. Và có lẽ điều này cũng đã được các cơ quan quản lý chú ý tìm cách giải quyết. Điều còn lại là sau khi đã tìm đủ thuốc và vật tư y tế cho mọi người dân, chúng ta phải làm cách nào đó để tất cả người bệnh được khám, chữa bệnh một cách tốt nhất, không có sự phân biệt nhiều giữa người khám dịch vụ, khám diện bảo hiểm; không để việc thiếu thuốc đột ngột với người khám bệnh diện bảo hiểm xảy ra, nhất là khi họ bị bệnh hiểm nghèo cần những thuốc đặc trị đắt tiền.

Vào một bệnh viện lớn ở Thủ đô, ngay từ cổng vào, người khám dịch vụ thì được vào thẳng để khám với những bác sĩ giỏi nhất. Những người có thẻ bảo hiểm xếp hàng dài dằng dặc và chờ đợi. Người khám dịch vụ do tự chi trả nên được dùng thuốc tốt nhất; người có thẻ tất nhiên dùng thuốc trong danh mục bảo hiểm cho phép…

Tuy nhiên, điều bất bình đẳng không phải chỉ ở một sự việc nói trên.

Trong một bệnh viện (của Nhà nước), chia ra hai khu: Dịch vụ hay kỹ thuật cao; khu nữa dành cho khám thường trong đó phần nhiều là người khám theo diện bảo hiểm. Nơi sang trọng, sạch sẽ chói ngời; nơi may mắn thì tạm ổn, có khi xập xệ, cũ kỹ.

Điều đáng nói là, bệnh viện đó thực ra cái gì cũng của nhà nước, của dân, từ cơ sở vật chất, thương hiệu, đội ngũ bác sĩ… Nhưng nó một bên phục vụ cho người có khả năng chi trả, bên khám theo diện bảo hiểm y tế, và người thu nhập thấp.

Nghe thông tin bệnh viện này, bệnh viện nọ sắm những thiết bị y tế đắt tiền, một chuyên gia y tế nói: Điều này một mặt là để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của điều trị y khoa, mặt khác sẽ gây nên sự bất bình đẳng ngày càng lớn trong khám chữa bệnh. Bởi, tiền mua máy móc là tiền của dân nhưng với loại máy móc đắt tiền không phải ai cũng được thụ hưởng, chỉ một số ít người nhiều tiền được hưởng.

Một bác sĩ nói: Từ lâu chúng ta đã thấy, cần phải để bệnh viện công ra công, tư ra tư. Khi vận hành bệnh viện nửa công và nửa tư, hay tư trong công sẽ tạo ra những bất bình đẳng trong khám chữa bệnh. Bệnh viện công do nhà nước đầu tư sẽ khám, chữa bệnh cho mọi người dân như nhau. Bệnh viện tư sẽ khám theo cơ chế thị trường, tất nhiên là có nhiều phân khúc khách hàng để lựa chọn. Bên cạnh đó là một hệ thống bệnh viện phi lợi nhuận (có thể do các nhà hảo tâm đóng góp) nhằm chữa bệnh cho người nghèo không có khả năng chi trả.

Hướng tới mục tiêu vì sức khỏe của người dân, bằng sự vận hành lành mạnh nhất, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc xảy ra trong bệnh viện, trong đó có việc thiếu thuốc, vật tư y tế tạm thời như đã xảy ra thời gian qua.