Thân thiện và thân thương

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 21 tháng qua, trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, trên khắp tất cả tuyến đầu chống dịch của đất nước luôn xuất hiện hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ.

Thời bình nhưng “Khi Tổ quốc gọi tên mình” là các anh sẵn sàng khoác ba lô lên đường. Không chỉ là triển khai các chốt chống dịch, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép mà bất cứ ở đâu có điểm "nóng" về dịch Covid-19 là quân đội có mặt, xông pha trên tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, “vì Nhân dân phục vụ”.
 Quân đội cùng Dân quân tự vệ phường 14, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) đi chợ thay dân rồi đem thực phẩm đưa tới nhà từng người gửi phiếu.
Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đã trải qua gần 2 năm với 4 đợt dịch liên tiếp, tính chất hết sức phức tạp. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hình ảnh những người lính ngủ ngoài rừng, canh giữ vững chắc biên giới để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh để nhường doanh trại, nơi ăn, chỗ ngủ cho Nhân dân, tận tình chăm sóc người dân tại các khu vực phong tỏa, các điểm cách ly đã trở thành những hình ảnh thân thuộc với nhiều người dân.
Thậm chí, nhiều chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch có người thân trong gia đình mất, có vợ con bị nhiễm dịch bệnh Covid-19 mà không thể về được vì đang làm nhiệm vụ. Có không ít chiến sĩ vừa hoàn thành nhiệm vụ ở những tâm dịch Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, nay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam lại lập tức lên đường tiếp tục tham gia phòng chống dịch. Vất vả, khó khăn, thậm chí đã có những người bị nhiễm bệnh, có người đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ... nhưng những việc làm đó đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm, trách nhiệm to lớn của người chiến sĩ quân đội nhân dân với Tổ quốc, với Nhân dân.

Quân đội đã phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của trên 22.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly phục vụ hơn 270.000 người; tổ chức 10 Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, chuyển đổi công năng 1 Bệnh viện đa khoa quân dân y thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, thành lập 1 Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa và nặng với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y; đóng góp 510 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19.

Thời gian này, ở TP Hồ Chí Minh, những bóng áo xanh của người lính trở nên quen thuộc. Người dân xúc động trong lực lượng tuyến đầu chống dịch luôn có hình ảnh những bác sĩ quân y trong các cơ sở y tế; hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ cùng với lực lượng công an, dân phòng, người dân tham gia tổ Covid cộng đồng… chốt gác ngoài đường phố, oai phong nhưng lại thân thiện.
Cùng với đó để giúp người dân yên tâm ở trong nhà, thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở nguyên đó”, anh bộ đội Cụ Hồ không nề hà bất cứ việc gì, từ khuân vác gạo, hàng hóa, đến đi từng nhà, vào từng con hẻm phát nhu yếu phẩm, túi thuốc, túi quà an sinh xã hội; hay đi chợ, siêu thị với những tờ đơn hàng trên tay để chọn mua hàng hóa theo yêu cầu của người dân, dù việc này không phải anh bộ đội nào cũng thành thục... Những hình ảnh in dấu ấn trên từng con hẻm nhỏ, từng khu phong tỏa để phát cho các hộ dân, hay đi chợ hộ cho người dân đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân.
“Ở đâu gian khó ở đó có bộ đội” và sự xuất hiện và hành động có hiệu quả của các anh bộ đội Cụ Hồ đã tạo thêm niềm tin cho đồng bào TP Hồ Chí Minh và người dân cả nước sẽ khống chế thành công đại dịch.