Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thận trọng khi ăn hồng ngâm

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy hồng ngâm rất ngon nhưng người dân không nên ăn nhiều, không ăn lúc đói. Nếu ăn nhiều hồng sẽ vón lại tạo thành sỏi ở khu vực ruột non, u bã ở dạ dày dễ dẫn đến tắc ruột.

Dễ gây tắc ruột

Thời điểm này, trên mọi tuyến đường phố Hà Nội, hồng ngâm được bày bán ở khắp mọi nơi với giá dao động từ 30.000 – 40.000/kg. Quả hồng ngâm có nhiều giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu ăn hồng đúng cách. Có một số thói quen ăn hồng tưởng tốt nhưng hóa ra lại là nguyên nhân gây ngộ độc, tắc ruột...

PGS.TS Đặng Quốc Ái - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, giảng viên Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, hàng năm, cứ đến mùa hồng, tại bệnh viện lại ghi nhận nhiều ca bị tắc ruột do ăn hồng. Nhiều trường hợp tắc ruột điều trị không đỡ phải mổ để lấy khối bã thức ăn.

Quả hồng ngâm đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng, lợi ích cho sức khỏe.
Quả hồng ngâm đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng, lợi ích cho sức khỏe.

PGS.TS Đặng Quốc Ái phân tích, trong quả hồng có chất tanin gây vị chát và chất pectin, hai chất này có nhiều ở vỏ hồng. Tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột.

Nếu ăn quá nhiều, nhất là vào lúc đói, các chất này cùng với hàm lượng chất xơ có trong quả hồng dưới tác dụng của axit dạ dày sẽ vón lại thành từng khối. Khi các khối bã thức ăn này không được đẩy ra ngoài theo đường bài tiết tự nhiên, chúng sẽ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa.

"Thông thường thực phẩm sẽ được nghiền nhỏ ở dạ dày rồi mới được đưa xuống ruột non. Tuy nhiên, ở những người đã cắt dạ dày hoặc cắt một phần dạ dày (nơi tiết nhiều axit), không tiêu hóa được xenlulo và các chất khác, miệng nối giữa ruột non và dạ dày lớn. Do vậy, thực phẩm ăn vào rơi luôn xuống ruột, vón cục lại thành từng mảng lớn đi đến đâu gây tắc đến đó” - PGS.TS Đặng Quốc Ái cảnh báo.

Chuyên gia cũng lưu ý, không chỉ có quả hồng mà các thực phẩm có nhiều chất xenlulo già như măng, rau già… cũng dễ gây tắc ruột. Những người bình thường ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất xenlulo như quả hồng ngâm nếu ăn không đúng cách cũng có nguy cơ bị tắc ruột. Do đó, những người có yếu tố nguy cơ cao như bệnh nhân đã phẫu thuật cắt một phần dạ dày thì càng nguy hiểm hơn.

PGS.TS Đặng Quốc Ái khuyến cáo, người có tổn thương đường tiêu hóa, đã cắt một phần hoặc bán phần dạ dày, người cao tuổi, răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm thì không ăn hồng hoặc các loại thực phẩm giàu xenlulo già như măng, rau già…

Trẻ nhỏ ăn quả hồng cũng dễ bị táo bón, tắc ruột, nếu không được cấp cứu kịp thời, để lâu có thể gây thủng ruột. Thực phẩm dành cho các đối tượng này phải được nấu chín, ninh nhừ và nhai kỹ.

Ngoài ra những người sức khoẻ kém, người có bệnh mạn tính, người bệnh đái tháo đường không nên ăn quả hồng ngâm... Những người bình thường nếu ăn quả hồng nên thận trọng: không ăn quá nhiều, nhai kỹ và không nên ăn quả hồng lúc đói.

Tránh tác dụng phụ của hồng ngâm

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, dù hồng là một loại quả ngon, nhiều dinh dưỡng nhưng không biết ăn lại gây hại cho sức khỏe. Khi ăn hồng ngâm cần lưu ý một số vấn đề sau để tránh gây ra rắc rối cho sức khỏe.

Người dân nên ăn hồng ngâm khi đã no.
Người dân nên ăn hồng ngâm khi đã no.

“Người lớn tuổi hạn chế ăn vì bộ máy tiêu hóa kém sẽ làm tăng nguy cơ bán tắc hoặc tắc ruột. Để an toàn khi ăn hồng ngâm, người cao tuổi khi ăn hồng nên chọn quả đã chín; ăn hồng ngâm nên uống nước nhiều để thuận lợi cho quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, người dân cũng nên ăn thêm sữa chua để bổ sung nhiều lợi khuẩn tốt cho sức khỏe, hạn chế được nguy cơ táo bón” - PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo.

Theo lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông Y Hà Nội, hồng là loại quả được ưa chuộng nhưng cần lưu ý khi ăn. Đặc biệt, người mới cảm gió lạnh, đờm thấp, bụng đầy, sốt rét cơn và các bệnh sau sinh ở phụ nữ không nên ăn hồng.

Chuyên gia lưu ý, để chọn hồng ngon, đối với hồng giòn (hồng ngâm) nên chọn quả già thì sẽ ngọt và giòn hơn. Hồng mua về bọc vào bao nilon cột kín lại, bỏ vào thùng nước, ngâm khoảng 7 - 8 ngày vớt ra ăn. Đối với hồng đỏ, chọn quả chín cầm mềm tay sẽ ít vị chát, nhiều nước. Khi mua hồng về nên bảo quản cẩn thận, không để bị dập, xước phần vỏ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, để phòng chống nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, tránh tắc ruột, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, người dân cần lưu ý khi ăn uống nên nấu chín, ninh nhừ thức ăn cho trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng các loại rau quả, đảm bảo không chứa quá nhiều tanin và hàm lượng chất xơ cao. Những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hóa hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột... là nhóm đối tượng cần cẩn trọng hàng đầu.

Để tránh tác dụng phụ của hồng ngâm như tắc ruột, người dân nên ăn hồng ngâm khi đã no, tuyệt đối không ăn hồng khi đang đói.