Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thận trong khi đầu tư vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với diễn biến thị trường vàng trong 2 tuần qua khiến nhiều người dân băn khoăn: Liệu giá vàng có tiếp tục giảm? Thị trường vàng sẽ đi về đâu? Có xảy ra cảnh sốt vàng như 3 năm trước? Có nên mua vàng tích trữ vào thời điểm này hay không?

 Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng giám đốc TienPhong Bank cho biết, thị trường vàng trong nước và thế giới đang diễn biến rất phức tạp, vì vậy nếu đầu tư quá nhiều vào vàng sẽ thiệt hại lớn khi vàng giảm giá.    

 Nhiều người hy vọng, sau ngày 30/6/2013, khi các ngân hàng tất toán xong trạng thái, cầu vàng từ các tổ chức tín dụng sẽ giảm. Thế nhưng, tại sao diễn biến thị trường lại không như mong đợi, thưa ông?

- Sau ngày 30/6/2013, nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng trong nước sẽ giảm, vì nhu cầu mua vàng của một số ngân hàng thương mại để đóng trạng thái vàng không còn, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bán vàng qua đấu thầu, sẽ cải thiện tình hình cung cầu vàng trên thị trường.

Thận trong khi đầu tư vàng - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Thực tế thì ngược lại, trong các phiên đấu thầu vàng miếng gần đây đều cháy hàng. Các đơn vị tham gia gần như mua hết số vàng đưa ra đấu thầu, mặc dù giá vàng được định giá cao. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước mấy ngày gần đây biến động thất thường, tăng, giảm giá ngược chiều với giá vàng thế giới. Thị trường vàng trong nước đang diễn biến rất phức tạp.

Vậy, ông đưa ra lời khuyên gì cho người dân và các nhà đầu tư có nhu cầu mua bán vàng?

- Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước và thế giới, người dân cần thận trọng khi quyết định đầu tư vào vàng bởi 2 lý do. Thứ nhất, giá vàng thế giới có thể giảm sâu, xuống dưới mức 1.200 USD/oz. Các thông tin về việc làm của Mỹ được cải thiện, khả năng Chính phủ Mỹ sẽ sớm chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng, giúp cho đồng USD tăng giá mạnh, giá vàng sẽ giảm sâu. Ngày 11/7/2013, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có bài phát biểu quan trọng về chính sách tiền tệ, đây có thể là nút thắt quan trọng quyết định xu hướng giá vàng.

Thứ hai, giá vàng trong nước hiện đang biến động phức tạp, song khi NHNN dẹp được tình trạng vượt rào của một số ngân hàng thương mại, sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết hơn, giá vàng trong nước có thể giảm sâu.

Do đó, nếu người dân không thận trọng, đầu tư quá nhiều vào vàng, khi giá vàng giảm mạnh sẽ bị thiệt hại lớn.

Hiện nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa có động thái mạnh tay nào để kéo giá vàng về sát giá thế giới. Tại sao, thưa ông?

- Hiện nay, NHNN vẫn chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt thị trường. Điều này thể hiện ở việc cơ quan này vẫn đặt giá trúng thầu vàng ngang với giá mua bán trên thị trường, thay vì ngang với giá thế giới. Có phiên đấu thầu xong giá vàng trong nước buổi chiều tăng lên cao hơn buổi sáng. Khi các ngân hàng tất toán xong trạng thái, NHNN chắc chắn sẽ mạnh tay can thiệp qua việc định giá đấu thầu vàng. Khi đó giá vàng trong nước và thế giới sẽ dần rút ngắn khoảng cách.

Một nguyên nhân nữa, có thể hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp NHNN muốn kéo giá Việt Nam sát với giá vàng thế giới trong điều kiện giá thế giới vẫn liên tục giảm, để can thiệp được như vậy, NHNN phải đặt giá đấu thầu thấp hơn hẳn giá thị trường. Do đó, NHNN sẽ phải bán rẻ nguồn dự trữ ngoại hối.

Theo quan điểm của TienPhong Bank, có thể NHNN đang chờ sự hồi phục ngắn hạn của giá vàng thế giới và các ngân hàng thương mại giải quyết xong trạng thái vàng để giải quyết triệt để vấn đề này.

Việc tỷ giá tăng mạnh thời gian qua có nguyên nhân từ chênh lệch giá vàng cao không, thưa ông?

- Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao đã khiến nhu cầu nhập lậu vàng tăng để ăn chênh lệch giá tăng. Điều này gây áp lực lên thị trường ngoại tệ, khiến tỷ giá thị trường tự do căng thẳng, có lúc lên đến gần 22.000 đồng/USD.

Để xử lý vấn đề này, NHNN đã cùng với cơ quan quản lý thị trường và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!