Thận trọng khi nới tín dụng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 6 tháng qua được đánh giá là cao nhất trong 3 năm trở lại đây thì tăng trưởng GDP ngược lại.

Đây có thể coi là một nghịch lý, gây lo ngại vì có thể DN đầu tư, kinh doanh không hấp thụ được vốn hoặc vốn đang đọng lại ở một số “vùng trũng” nào đó.

Theo một Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản đã tăng chậm lại trong năm 2016 (khi chỉ tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức tăng tới 28,3% của năm 2015). Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2017, tín dụng đổ vào lĩnh vực này tăng mạnh trở lại, tới 38,4% so với cuối năm 2016 được biến tướng dưới dạng tín dụng tiêu dùng.

Song cũng có ý kiến cho rằng tiền đang được sử dụng để bù đắp cho những khoản nợ xấu không đòi được. Trong tờ trình dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ, tỷ lệ nợ xấu được thừa nhận 8,86%, tức khoảng 487.300 tỉ đồng. Chỉ cần một phần năm trong số này không có khả năng thu hồi sẽ cần gần 100.000 tỉ đồng để bù đắp cho tiền "chết". Con số này bằng chừng một nửa mức tăng tổng phương tiện thanh toán quý I/2017. Và nếu đúng như vậy, thì giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng có tác dụng nhanh, theo kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội, đó là tăng tổng cầu của nền kinh tế, nới thêm tín dụng 1 - 2% kèm theo giải pháp này phải không tăng giá điện, một số loại dịch vụ công khác như y tế, giáo dục... từ nay đến cuối năm,

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho NHNN phải bảo đảm tăng mức tín dụng vượt mức kế hoạch. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm khá mạnh, nhiều khả năng các ngân hàng có thể sẽ xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên một mức cao hơn. Lạm phát thấp tạo điều kiện để NHNN tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ. Đồng thời NHNN sẽ xem xét hãm bớt đà tăng trưởng, siết lại hoạt động cho vay, đặc biệt đối với nhóm các ngân hàng tốp đầu có quy mô cho vay lớn. Còn với một số ngân hàng đã xử lý tốt nợ xấu, có hoạt động cho vay lành mạnh có thể sẽ được xem xét.

Tuy nhiên, “mọi sự nới lỏng” luôn cần phải đi kèm với sự thận trọng. Bên cạnh việc yêu cầu các ngân hàng thực hiện những quy định làm công cụ điều chỉnh tín dụng như Thông tư 06/TT- NHNN về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, từng bước thực hiện được định hướng tăng cường các tiêu chuẩn an toàn hệ thống, xử lý, kiểm soát nợ xấu, NHNN cần theo dõi và kiểm soát nắn dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh. Đối với lĩnh vực bất động sản, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát tốt dòng vốn cho vay, nhất là bất động sản cao cấp. Bởi phân khúc này có khi không xuất phát từ nhu cầu thực của người tiêu dùng, mà phần nhiều là từ mục đích mua đi bán lại kiếm lời của nhà đầu tư thứ cấp. Đối với các ngân hàng, khi cho khách hàng vay để đầu tư hay mua bất động sản, cần đánh giá chính xác về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, vì đây chính là nguồn tiền quan trọng nhất để hoàn trả tiền vay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần