Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng 10: CPI cả nước tăng 0,15%, CPI Hà Nội giảm 0,73%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 cả nước tăng 0,15%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 trên địa bàn Hà Nội giảm 0,73% so với tháng trước và tăng 3,73% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, tháng 10/2022, CPI trên địa bàn Hà Nội giảm 0,73% so với tháng trước và tăng 3,73% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 3,51% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng trước chủ yếu do Nhóm giáo dục giảm 5,71% (tác động làm giảm CPI chung 0,45%) do các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội tiếp tục thực hiện giảm học phí năm học 2022 - 2023 theo Nghị quyết 17/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND TP.

Nhóm giao thông giảm 2,06% (tác động làm giảm CPI chung 0,2%) do giá xăng bình quân trong tháng giảm 5,44%, giá dầu diesel giảm 0,6% so với tháng trước. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,75% (tác động làm giảm CPI chung 0,15%) do giá gas tiếp tục giảm 3,95% so với tháng trước, giá điện bình quân giảm 1,27%; nước giảm 0,14%.

Trong tháng 10, 7/11 nhóm hàng có CPI tăng so với tháng trước, tuy nhiên, mức tăng không cao, trong đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,45%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,14%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,28%.

Riêng nhóm bưu chính viễn thông giữ mức giá tương đương tháng trước.

So với tháng trước, chỉ số giá vàng tăng 0,68% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,06%.

Tổng Cục Thống kê cho hay, tháng qua, CPI tăng 0,15% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 10 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước và chỉ có nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,17% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

Tính chung 10 tháng, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải nguyên nhân tăng, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 10 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 28 đợt, trong đó có 12 đợt giảm giá, xăng A95 giảm 950 đồng/lít so với cuối năm 2021; xăng E5 giảm 1.060 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 7.210 đồng/lít; dầu hỏa tăng 7.150 đồng/lít. Tuy nhiên, tính bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 36,01%, tác động làm CPI chung tăng 1,3 điểm phần trăm.

Đồng thời, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 10 tháng năm nay tăng 15,35% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm.

Dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 10 tháng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm.

Nhà ở và vật liệu xây dựng 10 tháng năm nay tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo 10 tháng tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm. Giá các mặt hàng thực phẩm 10 tháng năm 2022 tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,2 điểm phần trăm.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 10/2022 tăng 0,45% so với tháng trước. Bình quân 10 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.