Ngày 6 và 7/3, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu sách giáo khoa (SGK) Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết tại hội nghị, năm học 2021 – 2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, lựa chọn SGK là rất quan trọng, bên cạnh việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên.
Cùng với việc phối hợp tổ chức hội nghị giới thiệu SGK để cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường trên địa bàn TP hiểu rõ hơn về các bộ sách, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Và, trên cơ sở đó, các nhà trường tổ chức lựa chọn SGK để giảng dạy cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu các SGK lớp 6 vào ngày 13/3/2021.
Khoảng đầu tháng 4/2021, TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 theo từng môn học.
Theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT “Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông”, từ năm học 2021-2022, UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có trách nhiệm thành lập hội đồng lựa chọn SGK để sử dụng tại các trường học trên địa bàn.
Bộ GD&ĐT quy định, các địa phương phải hoàn thành việc lựa chọn SGK trước ngày khai giảng năm học mới, tối thiểu 5 tháng. Và, trước ngày 31/7/2021 các NXB đảm bảo in ấn và phát hành SGK đảm bảo đủ số lượng và chất lượng và chuyển đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng SGK tại các địa phương cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh, giáo viên để triển khai thực hiện năm học mới.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, hiện nay bản mẫu SGK định dạng PDF lớp 2, lớp 6 đã được đưa lên website của các nhà xuất bản và giáo viên đã được cấp tài khoản để nghiên cứu tìm hiểu, từ đó đề xuất lựa chọn, chuẩn bị cho dạy học và tham gia tập huấn SGK.
Để hoạt động này đạt hiệu quả, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị của Bộ cần bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, nhân dân trước khi in bản chính thức.
Đối với công tác tập huấn SGK, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, cần có hướng dẫn cụ thể cho địa phương và nhà xuất bản để làm hiệu quả, trong đó quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào giới thiệu, tập huấn sách; kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn SGK cho giáo viên.
“Bộ sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động này, tuyệt đối không buông lỏng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ. Đồng thời đề nghị các đơn vị chuyên môn, các nhà xuất bản có giải pháp phù hợp nhằm giảm giá thành SGK.