Tháng cao điểm chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Cách đây 138 năm, ngày 1/5/1886, tại TP Chicago (Mỹ) đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục nghìn công nhân toàn TP Chicago đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề.
Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày Đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.
Tại Việt Nam, ngày 1/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế; đồng thời đấu tranh trực diện với đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ.
Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn Nhân dân lao động. Từ đó, ngày Quốc tế Lao động (1/5) hàng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đoàn viên và người lao động khi có Ngày Quốc tế lao động 1/5. Đây là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, khẳng định sứ mệnh lịch sử, vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
"Đặc biệt, tháng 5 còn là Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động, tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe" - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu rõ.
Tháng 5 cũng là tháng nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, có tác dụng lan tỏa tích cực trong toàn xã hội. Tháng 5 đã trở thành điểm hẹn, khoảng thời gian mong chờ đối với đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động và những người làm công tác an toàn vệ sinh lao động trong cả nước.
Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực
Đoàn viên, người lao động mong chờ các hoạt động trong tháng 5 bởi đây là quãng thời gian diễn ra nhiều hoạt động chăm lo toàn diện nhất. Điều này đã được minh chứng qua những mùa "Tháng Công nhân". Thống kê của các cấp công đoàn trên toàn quốc cho thấy, Tháng Công nhân năm 2023 đã được triển khai đạt kết quả tương đối toàn diện theo các nội dung đề ra với chủ đề phù hợp với thực tiễn triển khai ở cơ sở như: kết nối người lao động với việc làm; kết nối chất lượng cuộc sống với chất lượng và hiệu quả công việc; kết nối người lao động với tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với tổ chức công đoàn.
Với 53.266 công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động hưởng ứng, Tháng Công nhân 2023 đã ngày càng thấm sâu xuống cơ sở, có tính hành động cao, có kết quả tốt, thu hút sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của đông đảo cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động và người sử dụng lao động. Chương trình “đối thoại Tháng 5” có nhiều điểm mới với hơn 1.200 cuộc đối thoại ở các cấp và diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân” tại cơ sở.
Đặc biệt, trong Tháng Công nhân 2023, lần đầu tiên 53 liên đoàn lao động tỉnh, TP phối hợp với đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động, thu hút gần 1.000 lượt ý kiến, kiến nghị, tạo tiền đề để Tổng Liên đoàn đề xuất Chủ tịch Quốc hội chủ trì diễn đàn người lao động lần đầu tiên với chủ đề “Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”...
Phát huy những kết quả đó, trong Tháng Công nhân năm 2024 sẽ tập trung triển khai 4 nhóm nội dung hoạt động: chương trình “Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống”, “Đối thoại tháng 5”, “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”, “Cảm ơn người lao động”…; tổ chức “Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”; triển khai hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu có nhiều sáng kiến, sáng tạo, thành tích trong lao động, sản xuất; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
Tại Hà Nội, theo Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh, Tháng Công nhân 2024 các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kết nối, giới thiệu, tạo cơ hội việc làm, học nghề cho đoàn viên, người lao động.
Đồng thời, Công đoàn cấp cơ sở cũng tăng cường hoạt động thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; chăm lo đời sống, việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc của người lao động; tổ chức các hội thi tay nghề, hội thi thợ giỏi, tuyên dương công nhân giỏi, sáng kiến, sáng tạo… Qua đó, tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức công đoàn và người lao động, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, đời sống công nhân trên địa bàn.