Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng 7, Quốc hội sẽ quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 49, cho ý kiến về nội dung, thời gian và cách thức tiến hành Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV khoảng 9 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/7/2016. “Xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu nhiệm kỳ, nên phần lớn thời gian của kỳ họp dành cho nội dung này. Trình tự, thủ tục tiến hành nội dung này có nhiều bước, có thể bị trống thời gian phiên họp, nên dự kiến bố trí xen kẽ với một số nội dung khác để bảo đảm thời gian cho việc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình về nội dung nhân sự; đồng thời tiết kiệm thời gian kỳ họp” - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

 
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC và các chức danh cấp cao trong bộ máy Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TANDTC sẽ tuyên thệ theo quy định của Hiến pháp.
​Trong mảng công tác giám sát, sau khi thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề. Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Đáng lưu ý, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể chưa được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV như dự kiến, do đến thời điểm này Chính phủ chưa có văn bản chính thức về vấn đề này. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản liên quan đến các vấn đề cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh) cũng là nội dung quan trọng sẽ được cơ quan lập pháp dành thời lượng thích đáng tại kỳ họp. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, riêng đối với Bộ Luật hình sự, tuy vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhưng do lỗi kỹ thuật nên còn có một số quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Đề nghị UBTV Quốc hội xem xét trình Quốc hội cho phép sửa đổi một số điều của Bộ Luật Hình sự tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, bên cạnh một số nội dung cần báo cáo theo thông lệ như công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, trong số các tài liệu gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, ngay từ kỳ họp đầu tiên, Quốc hội sẽ bàn đến nhiều công việc chứ không phải chỉ làm nhân sự, để cho đại biểu Quốc hội mới tiếp cận ngay với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Nêu ý kiến về việc cần chuẩn hóa nghi thức tuyên thệ của các lãnh đạo Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng khi đã tuyên thệ thì phải rất nghiêm túc, nhất thiết từ đoàn chủ tịch đến đại biểu Quốc hội phải đứng lên, không thể người đứng người ngồi như lễ tuyên thệ ở Kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV vừa rồi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến trên.
Ngày 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm Nhân dân. Với hình thức tổ chức tự quản của các Hội thẩm, không phải tổ chức chính trị - xã hội, đây chỉ là nơi để các Hội thẩm trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ xét xử, nâng cao trình độ nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức.