Tháng 7 trên “địa chỉ đỏ” Pò Hèn nơi địa đầu Tổ quốc
Núi đá khắc tên anh hùng
Tháng 7, những cơn mưa rừng rả rích không cản được bước chân của nhiều người viếng thăm khu di tích Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh) giáp biên giới Trung Quốc.
Dẫn phóng viên đến viếng thăm nơi đây là thiếu tá Nguyễn Quốc Nam - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn. Giữa núi non trùng điệp, khu di tích nhìn sang hướng Bắc, gần sông Ka Long là nơi phân định lãnh thổ với Trung Quốc, hai bên đường vào trồng hàng cây kim giao đều tăm tắp, phía bên trong được xây dựng khang trang, sạch sẽ.
Giữa không gian tĩnh lặng, câu chuyện về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc hào hùng năm xưa như thước phim được tái hiện. Trong cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc ngày 17/2/1979, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thiếu tá Nam cho biết, tại Pò Hèn, 86 anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1979 - 1991, trong đó có 45 cán bộ, chiến sĩ Đồn 209, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn) cùng 28 công nhân Lâm trường Hải Sơn và nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn hy sinh ngày 17/2/1979.
Câu chuyện về người anh hùng, liệt sĩ Đỗ Sỹ Hoạ - trung uý, Phó Đồn trưởng Đồn 209 khiến nhiều người xúc động. Ông Hoạ (sinh năm 1947, tại xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, Hưng Yên) tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường Quảng Trị. Ông lập nhiều chiến công xuất sắc, được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Mặc dù bị thương, sức khoẻ giảm sút nhưng người chiến sĩ ấy vẫn tình nguyện lên biên giới để trực tiếp tham gia chiến đấu và đã anh dũng hi sinh. Với tinh thần bất khuất, dũng cảm quên mình vì chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngày 10/3/1979, liệt sĩ Hoạ được truy thăng quân hàm thượng uý và truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì. Ngày 19/12/1979, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Mỗi liệt sĩ ngã xuống tại Pò Hèn mang một câu chuyện khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là lý tưởng bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Như người nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn Hoàng Thị Hồng Chiêm (sinh năm 1954, quê ở xã Bình Ngọc, TP Móng Cái) đã cầm súng đứng lên chiến đấu trong trận chiến tháng 2/1979. Chị đã anh dũng hy sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương yêu dấu, bảo vệ biên cương Tổ quốc và được ghi vào trang sử truyền thống của tuổi trẻ Quảng Ninh. Ngày 10/3/1979, Trung ương Đoàn truy tặng liệt sĩ Hồng Chiêm Huy chương “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”.
Với những chiến công trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, tháng 2/1979, Đồn 209 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục thế hệ trẻ
Tháng 10/1993, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn lần đầu tiên trên chính mảnh đất mà các anh, các chị đã chiến đấu, hy sinh anh dũng. Từ đó đến nay, khu di tích đã trải qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp. Lần trùng tu, tôn tạo gần đây nhất là từ tháng 5/2018 và khánh thành vào tháng 2/2019, đúng tròn 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Với diện tích 54.000m2, khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn với cổng chào bằng đá, nhà đón tiếp, khu sân rộng rãi và trung tâm là đài tưởng niệm giữa những tán cây xanh.
Đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, đỉnh đài là biểu tượng ba bàn tay chụm vào nhau, tượng trưng cho ba dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ cùng sinh sống, cùng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn của biên cương đất nước. Chính giữa những bàn tay là ngôi sao vàng năm cánh, biểu tượng cho Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng và ý chí, khí phách kiên cường của những con người nơi biên thùy.
Khu di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu này được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2014. Đây cũng là 1 trong 4 công trình văn hóa mang dấu ấn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) trên cả nước.
“Đây là một chứng tích lịch sử, điểm tham quan, di tích truyền thống trên biên giới, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc. Mỗi năm, có hàng nghìn đoàn khách tới đây để tưởng niệm, bày tỏ lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ và bồi đắp lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ” - thiếu tá Nguyễn Quốc Nam nói và cho biết đang cùng với địa phương hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo, đề nghị công nhận Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn là di tích cấp quốc gia.

Thủ tướng cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 205 liệt sĩ
Kinhtedothi – Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 571/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 Về việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 205 liệt sĩ.

Cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho 182 liệt sĩ
Kinhtedothi – Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 cấp Bằng “Tổ Quốc ghi công” cho 182 liệt sĩ; trong đó, TP Hà Nội có 7 liệt sĩ.

Triển lãm 69 tác phẩm mỹ thuật về đề tài thương binh - liệt sĩ
Kinhtedothi – Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), Từ ngày 20-29/7, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Còn mãi với thời gian”.