Đây là khẳng định của lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội trước một vấn đề dư luận đang rất quan tâm những ngày qua. Đó là việc gần 2.500 giáo viên gửi "tâm thư" tới UBND TP Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Nội vụ Hà Nội nêu nguyện vọng mong muốn được TP xem xét bỏ tổ chức thi thăng hạng, mà tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức xét thăng hạng.
Xét thăng hạng giáo viên: Rất nhiều tiêu chí chấm điểm
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được "tâm thư" của các giáo viên và nắm được tâm tư, nguyện vọng của họ. Từ đó, cơ quan này đã có trao đổi thông tin với Sở GD&ĐT, đồng thời sẽ căn cứ quy định của luật, nghị định, thông tư và tình hình thực tế của Hà Nội để có những đề xuất phù hợp.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hiện đang được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo quy định tại Nghị định này, “thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp”. Liên quan việc xác định hình thức thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức, Bộ Nội vụ đang xin ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP theo hướng xét thăng hạng và bỏ hình thức thi thăng hạng, tuy nhiên do chưa có văn bản sửa đổi nên hiện Nghị định này vẫn còn hiệu lực thi hành.
Đối với việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ngoài thực hiện Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGĐT ngày 30/11/2021 “Quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập”. Thông tư này cũng hướng dẫn hai hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, trong đó xét thăng hạng có rất nhiều nhóm tiêu chí chấm điểm về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng; về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng và phải rà soát, thẩm định, chấm điểm từng hồ sơ.
"Như vậy, việc xác định hình thức thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc thẩm quyền UBND TP và sẽ được cụ thể trong nội dung đề án. Theo quy định, đối với đề án thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức lên hạng II và tương đương, UBND TP có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Bộ Nội vụ về nội dung đề án và chỉ tiêu thăng hạng để làm cơ sở tổ chức thực hiện"- Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết.
Trong quý IV/2023 sẽ đề xuất về hình thức thăng hạng giáo viên
Thực hiện chương trình công tác năm 2023, Sở Nội vụ đã có Văn bản số 1783/SNV-CCVC ngày 21/6/2023 “Hướng dẫn tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập”, trong đó hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đăng ký lập danh sách đề nghị thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II. Trên cơ sở kết quả thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện hồ sơ đăng ký thăng hạng, Sở Nội vụ xây dựng dự thảo đề án, trình UBND TP ban hành và báo cáo, xin ý kiến Bộ Nội vụ về nội dung đề án, chỉ tiêu thăng hạng.
Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, qua tổng hợp, tính đến hết ngày 28/7/2023 đã có 30/30 quận, huyện, thị xã và 3 cơ quan, đơn vị đăng ký, gửi báo cáo về cơ cấu danh sách viên chức giáo viên đăng ký thăng hạng. Thống kê sơ bộ, số lượng đăng ký dự thăng hạng của toàn TP là khoảng hơn 30.000 hồ sơ.
"Với số lượng hồ sơ đăng ký nhiều như vậy, việc chấm điểm hồ sơ phải huy động rất đông đội ngũ giám khảo có năng lực chuyên môn và thời gian kéo dài khoảng 2 tháng, tốn kém kinh phí và khả năng khó thực hiện. Do đó không thể nói là thi thì tốn kém hơn xét thăng hạng"- ông Trần Đình Cảnh nêu rõ.
Hiện nay, Sở Nội vụ đang tổng hợp danh sách thí sinh đăng ký thăng hạng, cơ cấu chức danh nghề nghiệp của các đơn vị nên chưa báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND TP về hình thức thăng hạng giáo viên. Sau khi có danh sách chính thức thí sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thăng hạng, dự kiến trong quý IV/2023, Sở sẽ xây dựng dự thảo đề án trình UBND TP, trong đó có nội dung đề xuất về hình thức thăng hạng.
Đặc biệt, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp của Hà Nội có khác biệt lớn nhất so với các tỉnh, thành phố khác là số lượng giáo viên đăng ký thăng hạng rất lớn. Việc lựa chọn phương án thi thăng hạng hay xét thăng hạng sẽ phải được bàn bạc cân nhắc kỹ lưỡng để tiết kiệm được kinh phí tổ chức, mang lại hiệu quả thiết thực của việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Mặt khác, theo Giám đốc Sở Nội vụ, đối với ngành GD&ĐT Hà Nội, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn của học sinh Thủ đô là rất quan trọng. Việc thực hiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thể hiện được trình độ, năng lực của người thầy, ngoài việc giải quyết vấn đề chế độ, chính sách thì vấn đề quan trọng nhất là bố trí phân công công tác phù hợp với trình độ, kỹ năng, năng lực của giáo viên.
"Thực tế cho thấy, áp lực học tập, thi cử để được chuyển cấp, lên lớp đối với học sinh là rất lớn; việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng cần được thực hiện nghiêm túc, khách quan, khoa học, công bằng với việc đánh giá chất lượng học sinh. Đánh giá đúng chất lượng mỗi cán bộ giáo viên chính nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển trong giai đoạn mới là xu thế tất yếu"- ông Trần Đình Cảnh nhấn mạnh.