Tháng hành động vì an toàn thực phẩm: Mạnh tay xử phạt vi phạm

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị đánh giá công tác Tháng hành động vì ATTP năm 2017.

Theo đánh giá, mặc dù là địa bàn rộng, đông dân cư, song với sự vào cuộc quyết liệt từ TP đến các quận, huyện nên trong suốt Tháng hành động vì ATTP, Hà Nội không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Vào cuộc đồng bộ
Tháng hành động vì ATTP bắt đầu từ 15/4 – 15/5 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Ngay sau khi có kế hoạch của UBND TP, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 584/584 xã, phường, thị trấn đã xây dựng và tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch Tháng hành động vì ATTP năm 2017 trên địa bàn. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP xuống tận cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Huy Diệp cho biết, trong Tháng hành động, huyện đã tiến hành kiểm tra tại toàn bộ 21 xã, thị trấn, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống có sử dụng rượu. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính 18,5 triệu đồng, tiêu hủy hơn 130 lít rượu không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng tiến hành kiểm tra 599 cơ sở và phát hiện 155 cơ sở vi phạm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thắng Văn

Tại Cầu Giấy - một trong những địa bàn đông dân cư và có nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, công tác triển khai Tháng hành động được lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật tới các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng dưới nhiều hình thức, quận còn tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Bà Trịnh Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, trong 2 đợt cao điểm, toàn quận ra quân kiểm tra 1.105 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó xử lý 383 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 800 triệu đồng, tiêu hủy gần 6.000 lít rượu và nhiều thực phẩm hết hạn, không rõ nguồn gốc.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo ATTP TP, trong Tháng hành động, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đã chủ động triển khai đầy đủ, sớm và đúng với chủ đề. Đồng thời, huy động được các ngành, đoàn thể tích cực tham gia, điển hình như quận Cầu Giấy, Đống Đa, huyện Thanh Trì… Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm của TP đến xã, phường được tiến hành đồng loạt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các đoàn, hạn chế tối đa chồng chéo, xử phạt nghiêm và kịp thời thông tin trên hệ thống truyền thanh. Công tác xử phạt vi phạm hành chính ở xã, phường có mạnh hơn năm 2016. Nhờ đó, trong Tháng hành động, trên địa bàn TP không có vụ ngộ độc thực phẩm và ca ngộ độc rượu do methanol.
Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Tháng hành động vì ATTP trên địa bàn TP vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Đó là TP có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công cũng như kiểm soát thực phẩm tươi sống, rượu pha chế từ các tỉnh khác về còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cấp xã, phường còn chưa nghiêm khắc trong xử phạt vi phạm hành chính. Tại hội nghị, đại diện một số địa phương cũng chia sẻ, vi phạm ATTP ngày càng tinh vi, nhất là vào những lúc cao điểm trong năm khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao. Trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng, trang thiết bị thiếu, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe…
Đứng trước những thách thức này, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian tới, công tác truyền thông sẽ được tăng cường thường xuyên từ TP đến xã, phường để nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống và rượu thủ công tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát, ngăn chặn, hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo ATTP lưu thông trên địa bàn, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao kết quả triển khai Tháng hành động vì ATTP trên địa bàn TP, nhất là sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các sở, ngành, địa phương. Nhấn mạnh công tác quản lý ATTP là cuộc chiến đấu còn phải duy trì nhiều năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch ATTP năm 2017, trong đó sơ kết, đánh giá, khen thưởng các lực lượng. Cùng với đó, tiếp tục duy trì công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định ATTP, hàng tháng gửi báo cáo về UBND TP, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo ATTP TP.
Trong Tháng hành động vì ATTP, toàn TP có 657 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó TP có 13 đoàn; tuyến quận, huyện, thị xã có 60 đoàn và xã, phường, thị trấn có 584 đoàn. Kết quả, số cơ sở được kiểm tra: 23.323, trong đó, số cơ sở đạt là 18.416 cơ sở (chiếm tỷ lệ 82,4%). Tổng số cơ sở vi phạm: 3.587 cơ sở, trong đó có 1.236 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt hơn 5,3 tỷ đồng.
Tại hội nghị, có 32 tập thể và 32 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Tháng hành động vì ATTP được nhận Bằng khen của UBND TP, trong đó báo Kinh tế & Đô thị có 1 tập thể và 1 cá nhân được khen thưởng.

TP Hà Nội là một trong những đơn vị thực hiện rất tốt các nội dung của Tháng hành động vì ATTP, nhất là trong việc ngăn ngừa ngộ độc methanol. Đặc biệt, Hà Nội đã có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ TP đến các sở, ban, ngành nên trong cả Tháng hành động trên địa bàn không xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm nào. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận.
Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế)  Nguyễn Thanh Phong

Mỹ Đức là địa bàn nhạy cảm vì là nơi có lễ hội chùa Hương. Triển khai Tháng hành động vì ATTP, huyện đã thành lập 12 đoàn kiểm tra liên ngành phủ dọc 21 xã, thị trấn, trong đó tập trung kiểm tra các hộ nấu rượu nhỏ lẻ, nhắc nhở tuyên truyền việc chấp hành các quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ký cam kết đảm bảo ATTP. Hiện nay, huyện tiếp tục chỉ đạo duy trì, coi công tác đảm bảo ATTP cũng như quản lý chặt sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao thể chất cho người dân và đảm bảo an ninh nông thôn.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức  Nguyễn Văn Hoạt

Cần tăng cường công tác tuyên truyền ATTP đến mọi người dân, đặc biệt là các khu công nghiệp, trường đại học, bếp ăn tập thể, công nhân lao động tự do. Bên cạnh đó, đề nghị TP có quỹ hỗ trợ lực lượng chức năng, công an kinh phí giám định các sản phẩm nghi vấn có sử dụng chất cấm. Ngoài ra, mỗi quận, huyện, thị xã phải có kho bảo quản tang vật đủ tiêu chuẩn để các lực lượng chức năng, công an khi kiểm tra, tạm giữ các sản phẩm hàng hóa có nơi tạm giữ, bảo quản.
Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội)