Với những gì chương trình mà đêm nhạc “Trịnh Công Sơn In The Spotlight– Gọi tên bốn mùa” diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đem lại tối ngày 3/1, khán giả đã có một đêm thưởng thức âm nhạc thăng hoa và mãn nhãn ở góc nhìn sân khấu.
Gương mặt chưa bao giờ gắn bó với nhạc Trịnh, chàng Trương Chi của thế hệ 8x – ca sĩ Tùng Dương xuất hiện mở đầu cho chương trình như một lời hứa hẹn của BTC về một không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn hoàn toàn khác: Tươi trẻ, ngọt ngào nhưng không thiếu phần triết lý. Dường như, Tùng Dương đã thổi một hơi thở mới cho ca khúc “Một cõi đi về”. Không mang cái giọng khàn khàn như ca sĩ Khánh Ly và cũng không có cách thể hiện giống với ca sĩ đàn anh, đàn chị nào trước đây, Tùng Dương hát “Một cõi đi về” với quãng giọng mở, đủ để ngân vang và đủ để thấy cái tình đầy day dứt của nhân vật trở về.
Tùng Dương đi vào nhạc Trịnh nhẹ nhàng, trẻ trung không lên gân hay tạo sự gai góc cùng các ca khúc: “Vết lăn trầm”, “Ru ta ngậm ngùi”, “Tuổi đá buồn”, “Xin mặt trời ngủ yên”. Đúng như lời của ca sĩ Tuấn Ngọc dành cho Tùng Dương trong đêm nhạc này: “Đêm nay chúng ta phải vỗ tay cho Tùng Dường với hai lý do. Lý do thứ nhất là Dương hát rất hay. Và lý do thứ hai là anh không “lên đồng” trên sân khấu nhạc Trịnh”.
Hồng Nhung luôn là điểm nhấn trong bất kể màn trình diễn nào về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Cùng với Mỹ Linh, suốt đêm diễn “Gọi tên bốn mùa”, không lựa chọn những bộ váy lộng lẫy, hay quần áo cầu kỳ xuất hiện trên sân khấu, Mỹ Linh và Hồng Nhung diện áo dài giản dị, vừa rất Hà Nội và thể hiện hơi hướng âm nhạc Trịnh.
Và dù có thể nghiệm với “Vòng tròn”, có thay đổi phong cách thời trang, nhưng mỗi lần trở về với nhạc Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung luôn luôn là mình của mấy chục năm trước: Nhẹ nhàng, tinh tế, không sử dụng nhiều kỹ thuật âm nhạc trong khi hát nhạc Trịnh nhưng lại khiến người ta luôn luôn nhớ về chị.
Hồng Nhung là gương mặt đại diện cho mùa xuân của nhạc Trịnh trong tên gọi “bốn mùa” lần này. Nhưng nhỏ nhắn, dịu dàng trong “Này em có nhớ”, “Ru mãi ngàn năm”, “Hạ trắng”…
Mỹ Linh vẫn thể hiện đẳng cấp của mình là diva khi thể hiện nhạc Trịnh. Chị bước ra sân khấu, hát “Tuổi đá buồn” cùng Tùng Dương như sự nối tiếp một mùa thu dịu dàng, và cũng để cân bằng khí âm dương trong không gian nhạc Trịnh. Sau đó, Mỹ Linh liên tục solo “Mưa hồng”, “Ca dao mẹ”…
Trong đêm diễn, ca sĩ Tuấn Ngọc có đùa với ca sĩ Tùng Dương rằng: “Con trẻ được ban tổ chức phân công ra hát 3 lần, còn bố già rồi nên chỉ có một lần”. Ca sĩ Tuấn Ngọc xuất hiện ở phần 4 của chương trình như màn kết về hoài niệm và triết lý. Ông vẫn xứng danh là nam ca sĩ hát nhạc Trịnh hay nhất như lời Trịnh Công Sơn nhận xét lúc đương thời.
Yếu tố thành công nhất, giúp khán giả Hà Nội có được cảm xúc thăng hoa khi nghe nhạc Trịnh vào những ngày cuối đông (không phải ngày đầu xuân như thường thấy) là những màn phối khí ăn ý của hai nhạc sĩ Đức Trí và Hoài Sa. Bản phối “Đóa hoa vô thường” được hai ca sĩ Mỹ Linh và Hồng Nhung thể hiện ở phần giữa chương trình, đã thể hiện được bức tranh tổng thể của đêm nhạc “Gọi tên bốn mùa” ngày 3/1: Vừa sôi nổi, vừa trầm lắng, vừa có những nốt nhạc vui tươi, rộn rã nhưng cũng không thiếu những khoảng lặng giàu triết lý nhân sinh. Có khán giả đã phải hô vang chấm điểm 10 cho thành công của phần phối khí và lối chơi ăn ý của hai ban nhạc Anh Em và Big Band đêm qua.
Đêm nay (4/1), “Trịnh Công Sơn In The Spotlight– Gọi tên bốn mùa” sẽ còn một đêm diễn cuối cùng tại Hà Nội, khép lại liveshow thứ 5 của In The Spotlight do Công ty Mỹ Thanh tổ chức.