Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành cổ Sơn Tây 200 năm một chặng đường

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/11, Thành cổ Sơn Tây tròn 200 năm tuổi (1822 - 2022). Một quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ đầy để công trình mang tính chất biểu tượng cho lịch sử, văn hóa và con người Sơn Tây cho thấy hết giá trị bền vững của mình.

Nơi hội tụ giá trị văn hóa, lịch sử

Thành cổ Sơn Tây nằm giữa thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km, là một công trình kiến trúc quân sự cổ, được xây dựng vào năm 1822 triều vua Minh Mạng, là tòa thành quân sự được xây bằng đá ong, có tổng thể hình vuông, được xây theo kiểu công trình quân sự Pháp.

Thành công của không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là tiền đề để địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh, khai thác các giá trị văn hóa du lịch để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nguyễn Quý
Thành công của không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là tiền đề để địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh, khai thác các giá trị văn hóa du lịch để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nguyễn Quý

Khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ XIX, Thành cổ Sơn Tây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn do Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc… lãnh đạo. Trải qua gần 200 năm, bị nhiều cuộc chiến tranh và thời gian tàn phá, Thành cổ Sơn Tây phần lớn đã bị phá hủy, chỉ còn lại tường thành, cửa tiền, cửa hậu, 2 khẩu thần công và một số phế tích như vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước...

Trong nhiều năm qua, cùng với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng khác như làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, chùa Mía… Thành cổ Sơn Tây đã trở thành địa chỉ thú vị cho những người yêu thích khám phá lịch sử, là điểm tham quan hấp dẫn cho các gia đình vào mỗi dịp cuối tuần bởi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong và không gian bình yên nơi đây.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, trong nhiều năm qua, Thành cổ Sơn Tây luôn là một điểm đến hút du khách rất lớn của địa phương. Cũng chính nhờ có di tích này mà không gian phố đi bộ Thành cổ từ khi chính thức được khai trương đến nay đã rất thành công và luôn giữ được lượng du khách đông và ổn định mỗi tuần.

Thống kê của địa phương cho thấy, sau 4 tháng hoạt động, phố đi bộ Thành cổ đã thu hút hơn 250 nghìn lượt khách, tạo không gian văn hóa cộng đồng hấp dẫn, điểm đến của nhiều người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần. Trung bình một tuần, tuyến phố thu hút từ 10.000 - 15.000 lượt khách. Riêng trong tuần đầu mở cửa, phố đi bộ đã đón hơn 35 nghìn lượt người.

“Nếu phố đi bộ không được mở quanh Thành cổ thì chắc chắn sẽ không thành công được đến vậy. Chính những giá trị sẵn có của Thành cổ đã góp phần thu hút du khách đến với Sơn Tây” – ông Trần Anh Tuấn nhận định,

Ngày 12/11 đánh dấu sự kiện Thành cổ Sơn Tây 200 năm. Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai chuỗi hoạt động nhằm tôn vinh, khẳng định, giới thiệu, quảng bá những giá trị nổi bật về kiến trúc và nghệ thuật của di tích lịch sử khu Thành cổ này.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, nhân sự kiện đặc biệt này sẽ có rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức nhằm thu hút du khách như trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây; trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật trong Thành cổ, thư pháp, diễn xướng hát văn; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại khu vực không gian tuyến phố đi bộ; Lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại trung tâm thị xã...

Địa phương kỳ vọng những hoạt động trên cùng với sức hút sẵn có từ giá trị cốt lõi mà Thành cổ Sơn Tây đang có sẽ thu hút nhiều du khách thập phương đến với Sơn Tây.

Hướng tới Di tích Quốc gia đặc biệt

“Sơn Tây có nhiều di sản nhưng chưa được lan tỏa tới cộng đồng. Đây cũng là tình trạng chung ở nước ta chứ không chỉ riêng ở Sơn Tây” – Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn chia sẻ khi đề cập đến việc quảng bá hình ảnh di sản địa phương tới cộng đồng và du khách quốc tế.

Nói đến di sản của thị xã Sơn Tây không phải chỉ có Thành cổ mà còn là làng cổ Đường Lâm, là Văn miếu Sơn Tây cùng nhiều di tích mang giá trị văn hóa, lịch sử khác. “Sơn Tây là nơi duy nhất ở Việt Nam có hai vua. Sơn Tây cũng có vị vua đánh hổ cứu cả dân làng, được suy tôn làm Bố Cái Đại Vương. Nhưng điều này chưa chắc nhiều người đã biết” – ông Trần Anh Tuấn cho biết và nhấn mạnh đến việc phải làm sao để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và của xứ Đoài, của thị xã Sơn Tây nói riêng đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn nữa.

Riêng đối với Thành cổ Sơn Tây, Đảng bộ, chính quyền và người dân thị xã mong muốn sẽ được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2022 là năm kỷ niệm tròn 200 năm Thành cổ Sơn Tây được kỳ vọng sẽ là thời điểm thích hợp để di tích Thành cổ hoàn thành ước nguyện. Ông Trần Anh Tuấn cho biết, địa phương đã lên kế hoạch trùng tu toàn bộ di tích Thành cổ trước khi hoàn thiện hồ sơ gửi lên các cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận di tích Thành cổ Sơn Tây là Di tích Quốc gia đặc biệt.

 

"Thành công của không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây chính là tiền đề quan trọng để chúng tôi tin tưởng rằng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng văn hóa mà Sơn Tây đang thực hiện là hoàn toàn đúng đắn. Thành công đó có được không phải vì chúng tôi giỏi mà vì bản thân thị xã Sơn Tây vốn đã hội đủ những giá trị cốt lõi để thành công như thế." - Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn