Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành công bởi ý tưởng khởi nghiệp từ cà phê sạch

Thanh Hải - Đình Tăng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, ngoài Đắk Lắk, AZZAN đã mở ra hơn 10 chi nhánh trên cả nước và bước đầu xuất khẩu nhiều đơn hàng cà phê sạch đến Nga, Nhật Bản, Canada...

Đó là những chia sẻ về dự án khởi nghiệp từ cà phê sạch (một trong những cơ sở để phát triển cà phê đặc sản) của anh Trần Quốc Tùng - một trong 2 đồng sáng lập ra thương hiệu cà phê sạch AZZAN.
Quy trình sản xuất, chế biến luôn được kiểm tra rất chặt chẽ nhằm tạo ra những hạt cà phê đạt chất lượng
Mở đầu câu chuyện, Trần Quốc Tùng cho biết: Mình sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Nam. Năm 2005, Tùng vào Đắk Lắk để lập nghiệp. Bản thân Tùng có sở thích và trong chừng mực nào đó cũng có thể gọi là “nghiện” cà phê.
“Suốt một thời gian dài uống cà phê nhưng mình lại không biết cà phê mình uống được làm như thế nào, nguồn gốc ra sao? Suy nghĩ này cứ thôi thúc để mình phải tìm hiểu về cách thức pha chế, chế biến cà phê và liệu mình có thể khởi nghiệp với nghề làm cà phê được hay không ?....”- Trần Quốc Tùng chia sẻ.
Để làm rõ thắc mắc cũng như mong muốn được học nghề và khởi nghiệp từ cà phê, Trần Quốc Tùng đã làm quen với một người có cơ sở rang xay, chế biến cà phê và xin vào học nghề tại đây.
“Khi bắt tay vào học nghề chế biến cà phê, mình mới biết: Thì ra mình đã hiểu sai về cà phê. Không phải là cà phê có đen, có sánh, có đậm, có đắng thì mới là cà phê ngon. Thứ cà phê mà mình hay uống mỗi ngày chỉ là hương liệu tạo mùi cà phê mua từ chợ Kim Biên cộng với một số chất khác từ bơ, bắp, đậu nành, đường, ký ninh…; tất nhiên cũng có cà phê nhưng chỉ là cà phê tạp, cà phê phế” - Trần Quốc Tùng chia sẻ và cho biết thêm: Từ những nguyên liệu này, qua các công đoạn rang, xay, trộn, hòa… để tạo nên cà phê. Với loại cà phê bẩn như thế, nếu thường xuyên sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Trước thực tế trên, Trần Quốc Tùng nghĩ rằng phải khởi nghiệp từ cà phê nhưng phải là cà phê sạch đúng nghĩa; đồng thời thông qua việc làm ra những ly cà phê sạch để góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng trong văn hóa tiêu dùng cà phê.
Đem suy nghĩ này tâm sự với người bạn thân Nguyễn Nam Phương. Tùng cho biết: “Cả 2 đều có chung tâm niệm: Phải làm cà phê sạch; thông qua cà phê sạch để làm lan tỏa, thay đổi thói quen tiêu dùng cà phê của giới trẻ hiện nay”.
Từ tâm niệm đó, sau một thời gian chuẩn bị, vào cuối năm 2014, Tùng và Nam Phương đã góp đủ vốn để xây dựng Công ty và cho ra mắt dòng sản phẩm cà phê AZZAN. Đây là loại cà phê được làm ra từ hạt cà phê nguyên chất, được thực hiện theo một quy trình khép kín từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến, rang, xay và đóng gói thành phẩm.
“Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay sau hơn 5 năm, thông qua báo chí và nhất là mạng xã hội, thói quen, tư duy tiêu dùng cà phê của xã hội đã có những chuyển biến tích cực, mọi người đã quan tâm hơn nhiều đến cà phê sạch, đến nguồn gốc cà phê mà mình sử dụng. Đây là thuận lợi lớn giúp mình tin tưởng sẽ thành công”- Trần Quốc Tùng bày tỏ.
Những sản phẩm cà phê AZZAN luôn được các chuyên gia và du khách đánh giá cao
Trong quá trình khởi nghiệp, Tùng và Nam Phương luôn quan tâm đến sự cân bằng về lợi ích của 3 nhóm đối tượng liên quan đến cà phê gồm: Người trồng, công nhân nhà máy và người tiêu dùng.
“Để thực hiện được sự cân bằng đó, đối với người trồng cà phê, AZZAN không chỉ bao tiêu giá đầu ra cao hơn giá thị trường mà còn tổ chức các khóa tập huấn, chuyển giao công nghệ để chăm sóc cà phê tốt hơn. AZZAN cũng rất quan tâm tư vấn, hỗ trợ người trồng cà phê về giống, phân bón và chu kỳ, kỹ thuật canh tác; tư vấn hỗ trợ sâu về quy trình chế biến nguyên liệu, không lạm dụng hóa chất… Hiện nay, vùng nguyên liệu của Công ty chủ yếu tập trung ở huyện Cư M”gar.
Tại đây, Công ty thường xuyên hỗ trợ, tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, giúp người dân địa phương như tặng nhà cho người nghèo, xây dựng trường học, trao học bổng cho con em nông dân…”- Trần Quốc Tùng chia sẻ.
Nói về chiến lược ổn định vùng nguyên liệu cà phê của mình, Trần Quốc Tùng khẳng định: Thời gian qua, AZZAN đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ, giúp người nông dân có những giống cà phê (giống Robusta là chủ yếu) để bà con ổn định vườn cà phê mà không thay thế các cây trồng khác. Sắp tới AZZAN cũng sẽ tiến đến việc chọn con em nông dân vùng nguyên liệu của mình để gửi đi học một số khóa học liên quan đến cà phê để về làm việc tại AZZAN.
Không chỉ tập trung vào việc kinh doanh, anh Tùng và bạn bè cũng thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện tại các vùng khó khăn
Đối với nhà máy sản xuất, chế biến cà phê của Công ty, Tùng cho biết hiện đều được trang bị các máy rang xay cà phê với công nghệ tiên tiến của Đức. Loại máy này, trống rang sử dụng thép đặc biệt, đảm bảo cho việc tăng giảm nhiệt khá ổn định để cho ra những mẻ rang hạt cà phê chín đều và giữ được hương vị tốt nhất.
Hiện AZZAN cũng đã đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại và đầu tư cho nhân viên đi học chuyên sâu về các lớp thử nếm cà phê, đảm bảo cho ra đời những sản phẩm cà phê sạch, chất lượng và ổn định.
Đặc biệt, AZZAN đang là thành viên uy tín của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, đồng thời là một trong những thương hiệu đang hướng đến cà phê đặc sản mà tỉnh Đắk Lắk đang tập trung xây dựng.
Nói thêm về tên gọi của Công ty, Trần Quốc Tùng chia sẻ: “AZZAN trong tiếng Do Thái có ý nghĩa là sức mạnh của cộng đồng. Mình đặt tên cho cà phê của mình là AZZAN không ngoài mục đích là đưa ra thông điệp về tinh thần đoàn kết, hỗ trợ và chia sẻ của cộng đồng”.