Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành công nhờ tình yêu nội trợ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong kinh doanh thực phẩm, yếu tố sống còn chính là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm” – là triết lý kinh doanh của chị Hoàng Thị Thảo – Giám đốc Công ty Cổ phần (CP) Thanh Thanh Food Việt Nam.

Làm mới món ăn bằng công nghệ
Là một cử nhân ngành Quản trị doanh nghiệp của Học viện Tài chính, nhưng Thảo lại có niềm đam mê đặc biệt với nghề nấu ăn. Chính vì vậy, đi tới bất cứ nơi nào, được thưởng thức những món ăn ngon, độc đáo, cô đều tìm hiểu về công thức chế biến. Trong một lần đi du lịch ở Trung Quốc, Thảo được thưởng thức món gà ủ muối hoa tiêu và chân gà ngâm mắm ớt, cô đã hoàn toàn bị chinh phục bởi cách chế biến của người Trung Hoa. “Khi đó, tôi chợt lóe lên suy nghĩ, nếu kinh doanh món ăn này ở Việt Nam, chắc chắn sẽ thành công” – Thảo cho hay.

Ngay sau đó, để thực hiện ý tưởng của mình, Thảo gác lại mọi công việc ở quê nhà và khăn gói sang Trung Quốc học nghề. Ban đầu, cô xin vào làm nhân viên phục vụ ở một quán ăn, vừa để lấy tiền trang trải sinh hoạt, vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, cô tham gia một khóa đào tạo nấu ăn chuyên nghiệp. Sau hơn một năm “tầm sư, học đạo”, Thảo quay trở về Việt Nam hiện thực hóa ý tưởng. Tháng 1/2020, Thảo chính thức thành lập Công ty CP Thanh Thanh Food Việt Nam, chuyên kinh doanh thực phẩm chế biến như gà ủ muối, chân gà rút xương ngâm xì dầu, chân gà ngâm muối ớt, tương ớt…
 Giám đốc Công ty CP Thanh Thanh  Food Việt Nam Hoàng Thị Thảo (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sản phẩm của công ty. Ảnh: Phương Nga
Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào kinh doanh, hàng loạt khó khăn ập đến với Thảo. Do chỉ chú tâm vào chất lượng sản phẩm mà không quan tâm tới bao bì, Thảo đã phải trả giá khi 300kg chân gà bị biến chất. Nguyên nhân do bao bì đóng gói không đảm bảo chất lượng. Tiếp đến là những lô gà luộc chưa đủ độ chín, hay việc nêm gia vị quá cay, không phù hợp với khẩu vị tiêu dùng của người Việt. Để đảm bảo uy tín, Thảo cho thu hồi toàn bộ sản phẩm. Qua những lần thất bại này, Thảo nhận ra rằng, mọi công đoạn đều phải cẩn thận, tỉ mỉ. Theo đó, cô trực tiếp xắn tay vào làm tất cả các khâu, đồng thời vừa làm, vừa thăm dò thị trường để điểu chỉnh dần gia vị cho phù hợp.

Cạnh tranh bằng sản phẩm sạch

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chuộng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các quy định chất lượng hay chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, kim chỉ nam hoạt động của Thảo là ngoài bảo đảm chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Với sứ mệnh san sẻ nỗi vất vả của người nội trợ, các sản phẩm của Thanh Thanh Food đều được truy xuất nguồn gốc, nguyên liệu đầu vào, được chế biến theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chứng nhận HACCP. Nguồn nguyên liệu được Thảo ký liên kết với vùng chăn nuôi gà Mía, thị xã Sơn Tây. Sản phẩm của Thanh Thanh Food có hương vị riêng, thơm ngon hơn so với một số sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, điểm cạnh tranh của sản phẩm chính là yếu tố an toàn.

Để quảng bá sản phẩm, Thảo liên tục tham gia các hội trợ triển lãm thực phẩm do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức. Nhờ có hương vị độc đáo, sản phẩm của công ty đã nhận được sự tin tưởng của thị trường. Hữu xạ tự nhiên hương, khách hàng tự giới thiệu cho nhau đến mua. Hiện tại, công ty đang có 50 cửa hàng phân phối trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn…

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Thảo bày tỏ mong muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược để cùng đồng hành phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, cô cũng dự định đầu tư sản xuất khép kín từ chăn nuôi, trồng các loại gia vị, chế biến để đảm bảo chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Tiếp đến sẽ phủ sóng toàn Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước.

Sau một năm hoạt động, đến nay trung bình mỗi tháng, Công ty CP Thanh Thanh Food Việt Nam xuất bán ra thị trường 3.000 con gà ủ muối, 6 tấn chân gà; tạo công ăn việc làm cho 12 lao động địa phương. Hiện tại, công ty đã có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao.