70 năm giải phóng Thủ đô

Thành công với nuôi lợn rừng sinh học cung ứng theo chuỗi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 1.500 con lợn rừng được nuôi hoàn toàn tự nhiên bằng rau xanh, chuối, chè cổ thủ, trang trại của ông Ngô Xuân Cường (41 tuổi, ở xã Cẩm Đình, Phúc Thọ, Hà Nội) đã sẵn sàng cung ứng lợn rừng sinh học cho người dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán.

Hơn 500 con lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng

Chỉ tay vào những con lợn rừng đang dũi đất trên bãi cát tìm giun, ông Cường cho biết, toàn bộ lợn rừng ở trang trại đều được nuôi hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp. Lợn chỉ ăn cây chuối, ăn ngô, ăn sắn, cỏ voi và rau… - các thức ăn tự nhiên được trồng ngay trên Bãi Nổi với tổng diện tích hơn 100ha thuộc xã Cẩm Đình.
 
Bắp cải là món rau xanh được lợn rừng yêu thích
 
Anh Nguyễn Văn Bình, công nhân của trang trại cho biết, lợn từ khi sinh ra đều được ghi chép đầy đủ và cẩn thận quy trình chăm sóc cho tới tận lúc xuất chuồng. Trung bình mỗi tháng, lợn rừng nuôi sinh học chỉ tăng được khoảng 2 - 2,5kg, và để có lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng phải nuôi trung bình khoảng 16 tháng.
Với gần 1.500 con lợn rừng, trong đó có khoảng 500 con được xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán; 5.000 con lợn nuôi gia công cho Công ty CP và thu nhập từ cây ăn quả khác, mỗi năm ông Cường thu lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Để cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, trang trại đã chuẩn bị sẵn sàng khoảng 500 con lợn rừng với trọng lượng trung bình 40kg/con.

Theo ông Cường, với giá bán hiện tại 150.000 đồng/kg lợn thịt và 180.000 đồng/kg lợn giống, mỗi năm trang trại có doanh thu từ 3 - 4 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục công nhân với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng.

Đánh giá cao về trang trại lợn rừng Cẩm Đình chăn nuôi theo chuỗi, ông Trần Thanh Mậu - Trạm trưởng Trạm Thú y Phúc Thọ cho biết: “Qua kiểm tra, giám sát, chúng tôi nhận thấy, toàn bộ quy trình chăn nuôi của trang trại đã được đầu tư bài bản theo chuỗi, từ khi con lợn được sinh ra đều được ghi chép lại trong nhật ký đầy đủ. Từ chuồng trại cho tới khu nhà giết mổ đều được xây khép kín, nếu người tiêu dùng muốn giám sát có thể trực tiếp xem trên camera từ xa toàn bộ quy trình. Do đó, trang trại đã được cấp chứng nhận về vệ sinh thú y cho cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật và sơ chế, được UBND huyện Phúc Thọ cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP để sản xuất sản phẩm sơ chế, chế biến thịt lợn rừng”.

Được biết, sản phẩm lợn rừng của ông Cường còn đăng ký mã số mã vạch và đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp mã số, mã vạch để phòng chống hàng giả, hàng nhái.

Sẽ nuôi lợn rừng đạt tiêu chuẩn organic

Để gây được đàn lợn rừng trị giá hàng chục tỷ đồng như ngày hôm nay, ông Cường từng trải qua không ít thất bại. Ông kể: “Thời gian đầu, UBND huyện Phúc Thọ và Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã hỗ trợ cho trang trại 150 con lợn rừng giống có nguồn gốc từ Thái Lan. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên lợn hay bị dịch bệnh, năm đầu chết chỉ còn 30 con”.

Xác định được hướng đi đúng là lựa chọn vật nuôi không phải “đối đầu” với các đối thủ lớn khi tham gia hội nhập TPP, ông Cường không chấp nhận thất bại mà tiếp tục kiên trì gây dựng lại việc chăn nuôi lợn rừng từ chính 30 con lợn còn sót lại đó.

“Tìm hiểu lại toàn bộ quy trình, tôi thấy nuôi lợn rừng cần rất nhiều kỹ thuật, nên đã mời cả kỹ sư chăn nuôi và thuê một công ty có kinh nghiệm của nước ngoài tư vấn về chăn nuôi lợn rừng. Họ chỉ cho tôi biết lý do lợn bị ốm, bị bệnh tật nhiều là do thời tiết liên tục thay đổi, lúc nắng lúc mưa, nhất là vào mùa đông lợn con rất dễ ốm chết. Do đó, tôi đã được tư vấn xây chuồng có chỗ kín và đặc biệt là có hệ thống điều hòa nhiệt độ, làm mát về mùa hè bằng quạt và sưởi ấm về mùa đông bằng bóng đèn… Ngoài ra, với lợn rừng hay bị đau bụng, cần thường xuyên cho ăn thêm các loại lá như lá chè xanh để hạn chế tình trạng đi ngoài của lợn” - ông Cường chia sẻ bí quyết.

Hiện tại, sản phẩm lợn rừng của ông Cường đã được cấp chứng nhận ATTP của ngành nông nghiệp, ngành y tế. Đặc biệt, ông đã đăng ký sở hữu trí tuệ, được cấp mã số, mã vạch… hoàn thiện từ khâu chăn nuôi, khu giết mổ cho tới cung ứng sản phẩm sạch ra thị trường, để trong một ngày không xa, ông sẽ có thương hiệu lợn rừng Cẩm Đình của riêng mình.

Tháng 10/2015 vừa qua, sau khi được mời tham gia cùng đoàn đi tham quan các mô hình chăn nuôi ở Đan Mạch, ông Cường đã học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và quyết định hoàn thiện thêm các quy trình để hướng tới sản xuất lợn rừng hữu cơ (organic), tiêu chuẩn sạch nhất của thế giới hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quốc Khánh – Chủ tịch UBND xã Cẩm Đình cho biết, trang trại lợn rừng Cẩm Đình của ông Cường là trang trại lớn nhất xã, chiếm tới ¼ diện tích tự nhiên toàn xã. Trước đây, khu vực này toàn cát trắng và ngập nước về mùa mưa, không canh tác được gì nên để gây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay là cả một kỳ tích. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Cường còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Năm 2014, ông Cường đã được UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen Nông dân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của Thủ đô.

Dưới đây là một số hình ảnh về Trang trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình:
Công nhân nghiền ngô được trồng ngay tại trang trại để cho lợn ăn
Công nhân nghiền ngô được trồng ngay tại trang trại để cho lợn ăn
Hàng chục ha rau được gối vụ cho nhau để cung cấp thực phẩm cho 1.500 con lợn rừng. Nhiều người ví, lợn rừng ở đây được ăn rau xanh, sạch hơn người
Hàng chục ha rau được gối vụ cho nhau để cung cấp thực phẩm cho 1.500 con lợn rừng. Nhiều người ví, lợn rừng ở đây được ăn rau xanh, sạch hơn người
Khẩu phần ăn hàng ngày, lợn rừng tại Trang trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình chỉ có ngô, rau xanh, và cây chuối rừng
Khẩu phần ăn hàng ngày, lợn rừng tại Trang trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình chỉ có ngô, rau xanh, và cây chuối rừng
Để chăm sóc cho 1.500 con lợn rừng sinh học cần  nuôi theo chuỗi khép kín cần khoảng 10 công nhân
Để chăm sóc cho 1.500 con lợn rừng sinh học cần nuôi theo chuỗi khép kín cần khoảng 10 công nhân
Chuồng trại luôn được công nhân quét rọn sạch sẽ để đảm bảo cho lợn rừng khỏe mạnh, phát triển
Chuồng trại luôn được công nhân quét rọn sạch sẽ để đảm bảo cho lợn rừng khỏe mạnh, phát triển
Lợn rừng giống luôn được công nhân chăm sóc kỹ  càng
Lợn rừng giống luôn được công nhân chăm sóc kỹ càng
Để đảm bảo phòng bệnh, lợn giống sẽ được tiêm phòng vaccine đầy đủ
Để đảm bảo phòng bệnh, lợn giống sẽ được tiêm phòng vaccine đầy đủ
Theo định kỳ, chuồng trại luôn được phun thuốc tiêu độc khử trùng để phòng bệnh
Theo định kỳ, chuồng trại luôn được phun thuốc tiêu độc khử trùng để phòng bệnh
 toàn bộ quy trình chăn nuôi của Lợn rừng,  từ khi con lợn sinh ra cho đến khi xuất chuồng đều được nghi chép lại nhật ký đầy đủ.
Toàn bộ quy trình chăn nuôi của lợn rừng, từ khi con lợn sinh ra cho đến khi xuất chuồng đều được nghi chép lại nhật ký đầy đủ.
Từ con giống cho đến quy trình chăm sóc và khâu cuối cùng là giết mổ đều được ông chủ Trang trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình đầu tư bài bản
Từ con giống cho đến quy trình chăm sóc và khâu cuối cùng là giết mổ đều được ông chủ Trang trại lợn rừng sinh học Cẩm Đình đầu tư bài bản
Thị lợn rừng trước khi xuất bán ra thị trường sẽ được đóng gói, ép chân không và thường xuyên có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thu y
Thị lợn rừng trước khi xuất bán ra thị trường sẽ được đóng gói, ép chân không và thường xuyên có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y