Thành công vượt mong đợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - SEA Games 28 đã khép lại với kết quả mĩ mãn dành cho đoàn thể thao Việt Nam. Ngoài việc vượt chỉ tiêu về số huy chương vàng (HCV), lọt vào Top 3 chung cuộc, thể thao Việt Nam còn ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của các môn thể thao olympic.

Vị thế độc tôn

Tại SEA Games lần này, đoàn thể thao Việt Nam giành được 73 HCV. Trong đó, các môn thể thao olympic đóng vai trò tối quan trọng trong tổng số HCV mà đoàn thể thao Việt Nam giành được. Tính ra, thể thao olympic giành được 64/73 HCV, chiếm tỷ lệ 85%. Trong đó, phải kể đến điền kinh có 11 HCV, bơi 10 HCV và TDDC 9 HCV, đấu kiếm 8 HCV, rowing 8 HCV, bắn súng 4 HCV…
Thành công vượt mong đợi - Ảnh 1
Thành công của thể thao olympic Việt Nam gắn liền với những cái tên khiến NHM dậy sóng tự hào như: Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thị Huyền, Hoàng Xuân Vinh… Trong đó, hai VĐV Ánh Viên và Nguyễn Thị Huyền đã đạt chuẩn dự Olympic 2016 tại Brazil. Đó là chưa kể đến hàng loạt kỷ lục của bơi lội, điền kinh đã được xác lập bởi các VĐV Việt Nam, tạo ra bước ngoặt căn bản trong vị thế của thể thao olympic Việt Nam trên bản đồ chung của khu vực.

Thể thao olympic thăng hoa khiến rất nhiều người bất ngờ. Bởi lẽ, trong một thời gian dài, thể thao Việt Nam dựa vào các môn võ vốn mang nặng yếu tố biểu diễn nhằm hoàn thành chỉ tiêu về huy chương và thứ hạng chung cuộc. Dù đạt được chỉ tiêu đề ra, nhưng khi bước ra đấu trường lớn hơn, thể thao Việt Nam nhanh chóng nhận thất bại và chỉ giành được những mục tiêu khiêm tốn.

Thay đổi chiến lược

Trước đây, có quan điểm cho rằng, với tố chất của con người Việt Nam, rất khó để thể thao Việt Nam đầu tư vào các môn thể thao olympic. Lập tức, có quan điểm cho rằng, thể thao Việt Nam phải đi tắt đón đầu, nhắm vào những môn thể thao mang tính biểu diễn nhằm có được thứ hạng cao trên đấu trường quốc tế. Chính sách này về thực tế đã giúp thể thao Việt Nam liên tục đứng ở Top trong các kỳ SEA Games nhưng lại không có được sự hội nhập một cách chủ động với ASIAD cũng như đấu trường olympic.

Thế nhưng, trước thành tích vang dội của điền kinh, bơi lội, TDDC, đua thuyền, bắn súng và cả đấu kiếm ở SEA Games lần này, các nhà quản lý đã có một nhận thức mới. Rằng, thể thao olympic vẫn phù hợp với thể trạng con người Việt Nam nếu các nhà chuyên môn đầu tư vào những nội dung phù hợp. Vấn đề ở chỗ, ngành thể thao phải có định hướng đầu tư cho những môn thể thao và các VĐV trọng điểm. Bằng chứng là tại SEA Games vừa qua, những môn thể thao giành được nhiều HCV nhất đều thuộc nhóm đầu tư chiến lược của ngành thể thao. Trong đó, riêng để có được 8 kỷ lục, 8 HCV của Ánh Viên, ngành thể thao đã phải bỏ ra đến hơn 7 tỷ đồng cho 3 năm tập huấn tại Mỹ.

Sau thành công tại SEA Games 28, ngành thể thao có thêm quyết tâm đầu tư cho những mục tiêu dài hạn. Theo đó, lãnh đạo ngành xác định sẽ đầu tư cho những môn thể thao trọng điểm, nhấn mạnh các nội dung thuộc hệ thống olympic. Thậm chí, các nhà hoạch định chính sách còn khẳng định, để có thể tham dự đấu trường lớn, ngành thể thao phải chấp nhận “mưa” tiền đầu tư cho những VĐV sáng giá nhất như Hà Thanh, Ánh Viên, Nguyễn Thị Huyền…

SEA Games 28 sẽ mang đến sự thay đổi về định hướng phát triển cho ngành thể thao? Hy vọng, giờ là lúc các nhà lãnh đạo của ngành thể thao đầu tư một cách có chiều sâu, bài bản, hướng đến những nội dung có thể nâng tầm thể thao Việt Nam trên đấu trường lớn ASIAD và Olympic.