Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông; vận chuyển khách theo hình thức hợp đồng, du lịch nhưng không bảo đảm các điều kiện theo quy định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; góp phần bảo đảm an toàn giao thông và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải khách.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra Sở tiếp tục xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các lực lượng của Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục giám sát, kiểm tra, xử lý đối với đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm quy định về kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và các địa phương khác. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải (có nhu cầu) hoàn thiện các tài liệu pháp lý, thủ tục đăng ký để đưa xe vào hoạt động tại các bến xe theo đúng quy định hiện hành.
UBND thành phố Thanh Hóa chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; hướng dẫn, kiểm tra việc dừng, đỗ xe đối với các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc quản lý theo đúng quy định. Chỉ đạo UBND các phường, xã thực hiện nghiêm việc duy trì thường xuyên, liên tục việc kiểm tra, giám sát hoạt động đón, trả khách tại Trụ sở chính, văn phòng, chi nhánh của các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc địa bàn quản lý; kiên quyết, xử lý nghiêm đối với đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc, kiểm tra, xử lý đối với hoạt động “xe dù, bến cóc”, “xe hợp đồng trá hình tuyến cố định” thuộc địa bàn quản lý. Chỉ đạo và gắn trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng “xe hợp đồng hoạt động trá hình vận tải khách tuyến cố định” lập “bến cóc” đón trả khách ngày tại văn phòng, chi nhánh trên địa bàn gây mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông.
Trước đó, theo thống kê của Sở GTVT Thanh Hoá, toàn tỉnh Thanh Hóa có 763 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng với 1.057 phương tiện. Trong số này có khoảng 80 xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định ở thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn; Các huyện: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Triệu Sơn, Quảng Xương, Ngọc Lặc…
Riêng trên địa bàn TP Thanh Hoá có 5 nhà xe, chi nhánh của Limosine kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định với số lượng 46 xe.