Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh Hóa đề xuất xây 2 cầu vượt đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh

Minh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án đầu tư xây dựng cầu vượt tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại Km 207+715 và Km 231+700, dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, QL1A đi cảng Nghi Sơn.

 

Thanh Hóa đề xuất xây 2 cầu vượt đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1
 Thanh Hóa đề xuất xây 2 cầu vượt đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, QL1A đi cảng Nghi Sơn được HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh thống nhất hướng tuyến và Bộ GTVT thống nhất chủ trương đầu tư mở rộng đường Nghi Sơn - Bãi Trành đoạn từ cầu Hổ đến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, dự án có 2 vị trí giao cắt tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại Km 207+715/ĐS bằng cầu vượt xây dựng mới trên tuyến Đường tỉnh 512 và tại Km 231+700/ĐS bằng cầu vượt xây dựng thêm 1 đơn nguyên trên tuyến Nghi Sơn - Bãi Trành.

Để thực hiện đảm bảo theo quy định hiện hành, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án đầu tư xây dựng cầu vượt qua tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trên tuyến Đường tỉnh 512 đoạn từ QL1 đến đường Thọ Xuân - Nghi Sơn.

Cụ thể, vị trí đường sắt tại Km207+715/ĐS; chiều rộng toàn cầu 13m; Góc giao giữa cầu vượt với đường sắt hiện tại là bộ 78˚; khoảng cách gần nhất từ mép công trình đến chân taluy đắp nền đường sắt theo phương ngang là 8,2m; chiều cao tĩnh không từ cao độ đỉnh ray đường sắt đến đáy dầm cầu vượt theo phương thẳng đứng đảm bảo H≥6,0m.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án đầu tư xây dựng thêm 1 đơn nguyên cầu mới vượt qua tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trên đường Nghi Sơn - Bãi Trành đoạn từ Cầu Hổ đến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cụ thể, vị trí vượt đường sắt tại Km231+700/ĐS; đơn nguyên cầu mới cách đơn nguyên cầu cũ 28,5m (khoảng cách mép ngoài hai lan can là 11,5m); chiều rộng toàn cầu 16m (theo đơn nguyên cầu cũ); góc giao giữa cầu vượt với đường sắt hiện tại là bộ 88˚; khoảng cách gần nhất từ mép công trình đến chân taluy đắp nền đường sắt theo phương ngang là 10,2m; chiều cao tĩnh không từ cao độ đỉnh ray đường sắt đến đáy dầm cầu vượt theo phương thẳng đứng đảm bảo H≥6,0m.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GTVT cho phép Ban QLDA đầu tư xây dựng Khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (chủ đầu tư dự án) được làm việc trực tiếp với các đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT để cung cấp hồ sơ, tài liệu và tiếp thu, giải trình những vấn đề có liên quan theo quy định.