Thanh Hóa: yêu cầu đẩy nhanh triển khai 23 dự án đầu tư trực tiếp đang chậm tiến độ
Kinhtedothi - UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị đầu mối chủ động phối hợp với nhà đầu tư, đôn đốc triển khai các dự án và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhằm giải quyết tình trạng 23 dự án đầu tư trực tiếp chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Khu du lịch sinh thái Tân Dân nằm trong số các dự án chậm tiến độ.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, trong quý I/2025, địa phương đã thu hút được 24 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 2 dự án FDI. Tổng vốn đăng ký đạt 501,3 tỷ đồng và 24 triệu USD, bằng khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số dự án có quy mô lớn đáng chú ý gồm: Dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê tại Lô CN 02 và CN 03 (Cụm công nghiệp thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định) với tổng vốn đầu tư lần lượt là 8 triệu USD và 16 triệu USD; Nhà máy sản xuất sản phẩm may mặc, da giày và phụ kiện dệt may tại xã Tân Phúc (huyện Nông Cống) với vốn 86 tỷ đồng...
Hiện trên địa bàn tỉnh có 33 dự án đầu tư trực tiếp quy mô lớn đang triển khai, với tổng mức đầu tư khoảng 116.649 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 10 dự án đảm bảo tiến độ, còn lại 23 dự án đang chậm trễ.
Trong số các dự án đảm bảo tiến độ, có 4 dự án đã đi vào hoạt động như: khu Resort Sao Mai (huyện Thọ Xuân), Nhà máy xi măng Đại Dương (thị xã Nghi Sơn), Nhà máy gia công giày dép xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Vạn Hà (Thiệu Hóa), Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường (Hoằng Hóa).
Hai dự án đang trong giai đoạn lắp đặt máy móc, tuyển dụng lao động gồm: Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial (Khu công nghiệp Bỉm Sơn) và Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2. Cùng với đó là 2 dự án đang xây dựng và 2 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị khởi công.
Ngược lại, 23 dự án chậm tiến độ được phân thành 3 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là nhóm dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng như: Dây chuyền 3, 4 Nhà máy xi măng Long Sơn (Bỉm Sơn), Khu du lịch sinh thái Tân Dân (Nghi Sơn), Khu liên hợp sản xuất và chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 (Ngọc Lặc)… Các dự án này vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường và tiến độ xây dựng khu tái định cư.
Thứ hai là nhóm dự án chậm do thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục kéo dài, liên quan đến nhiều bộ, ngành Trung ương như: khu bến container số 2 (Cảng Long Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn), Nhà máy đốt rác phát điện tại Bỉm Sơn, Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa…
Thứ ba là nhóm dự án nhà đầu tư chưa tích cực triển khai như: Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên (Quảng Xương), Khu đô thị Đông đại lộ Bắc Nam, Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng (Thọ Xuân), Khu đô thị Tây Nam đại lộ Nam Sông Mã 1 (TP Thanh Hóa)...
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị đầu mối theo dõi dự án chủ động phối hợp với nhà đầu tư, đôn đốc triển khai dự án đúng tiến độ cam kết, đồng thời theo sát các khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý.
Đối với các dự án chậm do hồ sơ, thủ tục, tỉnh chỉ đạo các địa phương nơi có dự án chủ động phối hợp, nắm bắt và hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư. Với nhóm dự án vướng mặt bằng, các địa phương được giao tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, thực hiện ký cam kết tiến độ bàn giao mặt bằng sạch với nhà đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang tập trung thu hút đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong thời gian tới.

Tập trung xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, tồn đọng, kéo dài
Cuộc họp thảo luận về kết quả thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm từ sau Phiên họp 27.

Lâm Đồng: đưa 18.000 ha đất dự án chậm tiến độ vào diện theo dõi
Kinhtedothi- Ngày 28/3, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã phát thông cáo về phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh.

Hà Nội tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội tập trung xử lý 712 dự án và 117 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do UBND cấp huyện đề xuất kiến nghị xử lý, thực hiện trong quý II, III/2025.