VN-Index lấy lại mốc 1.260 điểm
Thị trường duy trì sắc xanh trong toàn bộ phiên giao dịch 12/9, tuy nhiên mức tăng có sụt giảm đôi chút về cuối phiên chiều. Nhiều cổ phiếu trụ tăng điểm và thanh khoản toàn thị trường khá thấp cho thấy lực cầu chưa thật sự quay trở lại mạnh mẽ. Khép lại phiên giao dịch 12/9, VN-Index chốt ở 1.256 điểm, tương ứng tăng 3,08 điểm.
Dẫn đầu mức đóng góp là VCB với 1,5 điểm, tiếp đến là FPT 0,6 điểm, VPB 0,5 điểm,…
Toàn thị trường có 14 ngành tăng điểm, áp đảo so với 9 ngành giảm điểm, riêng ngành bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm đi ngang.
Trong danh sách tăng điểm, truyền thông và giải trí dẫn đầu với mức tăng đến 10,76%, đóng góp chủ đạo bởi VNZ tăng trần 15% và CAB tăng 6,8%.
Xếp sau là 3 ngành tăng trên 1%, gồm viễn thông, phần mềm, đồ gia dụng và cá nhân. Tại danh sách giảm điểm, hầu hết các mức giảm không quá mạnh, chỉ có 2 ngành giảm trên 1% là chăm sóc sức khỏe và bán dẫn.
Thanh khoản toàn thị trường khá thấp cho thấy lực cầu chưa thật sự quay trở lại mạnh mẽ, tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn hôm hay chưa đến 12 ngàn tỷ đồng. Trong đó, quy mô giao dịch khối ngoại cũng sụt giảm với gần 821 tỷ đồng mua vào và gần 1,107 tỷ đồng bán ra, chung cuộc bán ròng hơn 286 tỷ đồng. Lực bán ròng xuất hiện trên nhiều cổ phiếu và tập trung vào MWG hơn 49 tỷ đồng, VPB và VCI hơn 47 tỷ đồng. Ngược lại, phe mua dành sự tập trung vào FPT hơn 58 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chăn nuôi hưởng lợi hậu siêu bão Yagi
Sau cơn bão số 3 (bão Yagi), các cổ phiếu chăn nuôi, nông nghiệp và hóa chất cùng có tín hiệu tích cực, điển hình nhóm chăn nuôi heo có DBC (+0,3%), BAF (+1%), MML (+6,9%) và hóa chất có DCM (+1,3%), DGC (+0,5%), CCV (+2,2%), DPM (+0,8%).
Chuyên gia cho rằng đà tăng của nhóm cổ phiếu chăn nuôi có nhiều yếu tố tâm lý ngắn hạn khi miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão.
Trong khi đó, ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai... có thể gây thiệt hại đến các đàn gia súc, đặc biệt là lợn, từ đó tác động đến nguồn cung trên thị trường.
Xét về dài hạn, các công ty chứng khoán cũng đánh giá nhóm chăn nuôi có nhiều triển vọng phục hồi lợi nhuận. Trước hết, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, vốn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, đang hạ nhiệt đáng kể. Hiện giá nhiều giá nguyên liệu đang giảm 30-40% sẽ khiến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm giảm mạnh, góp phần tiết kiệm chi đầu vào cho các doanh nuôi lớn.
Ngoài ra, giá heo hơi cũng được kỳ vọng phục hồi giúp các doanh nghiệp chăn nuôi hưởng lợi, nguyên nhân bởi nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả lơn Châu Phi và Luật Chăn nuôi nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép sẽ khiến nhiều hộ nông dân bỏ nghề khi mà việc di dời chuồng trại khó khăn. Trong bối cảnh trên, lợi thế đang dành cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đổ tiền đầu tư chuồng trại tăng công suất, hoàn thiện chuỗi giá trị chiếm lĩnh thị phần.