70 năm giải phóng Thủ đô

Chứng khoán 30/10:

Thanh khoản thấp, VN-Index quay đầu giảm điểm

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến VN-Index “quay đầu” giảm điểm và lình xình dưới mốc tham chiếu suốt phiên.

VN-Index quay đầu giảm cuối phiên

Tiếp đà tăng điểm phiên trước, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch 30/10 mở cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến VN-Index “quay đầu” giảm điểm và lình xình dưới mốc tham chiếu suốt phiên. Đóng cửa, VN-Index giảm 3,15 điểm xuống 1.258,63 điểm. Thanh khoản ở ngưỡng thấp với tổng giá trị giao dịch đạt 14.200 tỷ đồng.

Thanh khoản thấp, VN-Index quay đầu giảm điểm - Ảnh 1

TCB là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,4 điểm khi mã này tăng hơn 1%, lên 24.000 đồng/cp. Ngược lại, VHM tiếp tục là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm 3,7%, xuống 41.150 đồng./cp

Cổ phiếu của Vinhomes cũng là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất, đạt hơn 1.300 tỷ đồng. STB, MWG ghi nhận thanh khoản gần 600 tỷ, còn MSN và VIB giao dịch hơn 400 tỷ đồng.

Trong VN30, ngoài TCB, ngân hàng cũng đứng đầu nhóm giao dịch tích cực. STB tăng hơn 2%, VIB có thêm hơn 1%, TPB, BID vượt tham chiếu. FPT, VRE, MSN cũng ở trạng thái tương tự.

Ngược lại, SSI, PLX, VNM giảm trên 1%, VIC, GVR, MWG thấp hơn tham chiếu.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu chứng khoán, thép chìm trong sắc đỏ. Ngược lại, một số cổ phiếu được chú ý, như QCG, HBC đều tăng mạnh.

Về giao dịch khối ngoại, nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 144 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tại chiều bán, cổ phiếu MSN chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 90 tỷ đồng. Bên cạnh đó, STB cũng bị "xả" ròng khoảng 84 tỷ đồng; VHM, SSI và HPG cũng bị khối ngoại bán ròng từ 56-72 tỷ đồng. Ngược lại, cổ phiếu VPB, TCB và FPT là 3 mã được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với giá trị mua ròng tổng cộng 375 tỷ đồng. Nhà đầu tư ngoại cũng mua ròng 2 cổ phiếu bất động sản DXG và PDR với giá trị từ 23-25 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHM mất gần 15% sau 6 phiên

Tính từ ngày 23/10 đến nay, cổ phiếu VHM đã mất gần 15% chỉ sau 6 phiên giao dịch với “sắc đỏ” chiếm ưu thế hoàn toàn; vốn hóa theo đó giảm về hơn 178.000 tỷ đồng.

Cập nhật mới nhất trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), tính đến cuối phiên 29/10, Vinhomes đã mua được tổng cộng gần 48 ,2 triệu cổ phiếu quỹ, tăng thêm hơn 8,8 triệu đơn vị so với cuối phiên 28/10.

Theo kế hoạch, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ (chiếm 8,5% tổng lượng cổ phiếu lưu hành) theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 23/10 đến 21/11/2024. Mục đích mua lại được Vinhomes đưa ra là do thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty nên việc mua lại cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông. Theo quy định, mỗi ngày, Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch.

Trước đó, đầu tháng 9, Vinhomes đã công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông về việc mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu VHM. Việc mua lại cổ phiếu sau đó đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ tán thành trên tổng số phiếu biểu quyết hợp lệ là 99,91%.

Ước tính số tiền Vinhomes có thể phải chi ra cho thương vụ này lên đến hơn 17.000 tỷ. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Phía công ty khẳng định kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán một số dự án. Do đó, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế đến các chỉ tiêu về thanh khoản và nợ vay của công ty.

Trở lại hiện tại, việc cổ phiếu VHM liên tục đi xuống đã trái với kỳ vọng của một bộ phận nhà đầu tư rằng giá cổ phiếu sẽ tăng khi có một lượng cầu lớn mua vào khiến nguồn cung ngày càng co hẹp lại.