Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký với nhiều thủ tục phức tạp, ngày 7/10/2021, chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản. Ngày 29/12, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức công bố cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản. Việc được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội cho thanh long Bình Thuận.

Thanh long Bình Thuận là sản phẩm nước ngoài thứ 3, và là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản, cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này. Đồng thời góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm, triển vọng mới cho nông sản Việt Nam thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu sang những thị trường khác.
 Ảnh minh họa
Hiện chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Cùng đó, hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ gồm: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan…
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 33 nghìn ha thanh long với sản lượng thu hoạch hơn 690 nghìn tấn. Có 5 địa phương đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản gồm huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và TP Phan Thiết.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận đã xuất khẩu chính ngạch 37 triệu USD, tương đương gần 32 nghìn tấn thanh long tươi. Tuy nhiên, do sản phẩm thanh long tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái cây tươi không bảo quản được lâu, nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu. Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2 - 3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc, hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu.
Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”, trong thời gian tới Hiệp hội Thanh long Bình Thuận sẽ tăng cường phổ biến tuyên truyền cho hội viên tuân thủ các quy định của pháp luật về chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản; giám sát quá trình sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của các hội viên thuộc hiệp hội, đảm bảo thực hiện đúng theo quy chế quản lý quá trình sản xuất đã được đăng ký với Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF).
Cùng với đó tỉnh sẽ tập trung xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long; hỗ trợ phát triển mở rộng thị trường; tăng cường quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long, xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng VietGAP…