Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh niên dễ mắc phải những điều luật nghiêm trọng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tổ chức hưởng ứng, triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả.

Đặc biệt, T.Ư Đoàn đã tích cực đóng góp ý kiến vào quá trình hoàn thiện các dự án luật, bộ luật mới có liên quan trực tiếp đến tổ chức đoàn, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Qua đó, thanh niên có thể tham gia sâu hơn vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
 

Đoàn viên thanh niên tham dự diễn đàn Thanh niên với Bộ luật Hình sự.

Trao đổi, thảo luận về những nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có những nội dung liên quan trực tiếp đến thanh, thiếu niên, bạn Bùi Thế Thanh (T.Ư Hội Luật gia Việt Nam) chia sẻ, các nội dung mới của Bộ Luật Hình sự có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân là quan trọng và cần thiết. Việt Nam đang được đánh giá là nền kinh tế tham gia ký kết các hiệp định kinh tế và thuế quan quốc tế nhiều nhất trong các nước ASEAN. Tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm xã hội … xâm hại nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân và gây mất trật tư, an toàn xã hội. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi này theo quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe, điều chỉnh. “Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ Luật Hình sự là rất cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành khi  xử lý hành vi phạm tội của pháp nhân, phù hợp với xu thế chung của thế giới; đồng thời tạo cơ sở pháp lý trong hợp tác giữa các quốc gia nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm do pháp nhân gây ra”, đoàn viên Thanh nhấn mạnh.
Nêu về những vấn đề mới, điểm mới của Bộ Luật Hình sự về tội phạm  tham nhũng, bạn Nguyễn Thị Thu Nga  (Đoàn Thanh niên Thanh tra Chính phủ) cho rằng, việc triển khai thực hiện Bộ Luật Hình sự trên thực tế, các cán bộ công chức, đặc biệt đoàn viên là cán bộ công chức trẻ cần phải nắm vững các quy định của Bộ Luật Hình sự. Theo Nga, để làm được điều này, ĐTN các bộ, ngành phải phổ biến, quán triệt các quy định về tham nhũng trong Bộ Luật Hình sự đã được mở rộng trong phòng chống tham nhũng nói chung đến từng đoàn viên để họ nhận thức được hành vi nào là hành vi tham nhũng, các chế tài hành chính, hình sự  đối với hành vi tham nhũng để đấu tranh với loại tội phạm này theo đúng các quy định pháp luật. Đồng thời, các cán bộ công chức trẻ nghiên cứu đề xuất các chế định bổ sung vào các quy định liên quan trong ngành, lĩnh vực mình cho tương thích với các quy định của Bộ luật Hình sự.
 Đoàn viên thanh niên tại diễn đàn Thanh niên với Bộ luật Hình sự.
Cho rằng, Luật pháp Việt Nam có rất nhiều điều khoản, nhiều mục, đặc biệt là Luật Hình sự mà thanh niên dễ mắc phải từ nghiêm trọng đến cực kỳ nghiêm trọng, anh Phạm Công Hoan (cán bộ đoàn CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội) nói: “Hiện nay ngành đường sắt có số lượng ĐVTN rất đông. Vì thế nguy cơ phạm tội cao nên việc tuyên truyền, phổ biến đến các ĐVTN là việc rất cần thiết”. Mỗi ĐVTN cần hiểu hơn về các điều khoản luật cũng như các hình phạt mới sửa đổi của nhà nước để từ đó không mắc phải.
Nói về điểm mới đáng chú ý của Bộ luật Hình sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết thêm: “Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 gồm 26 Chương, 426 Điều. Bộ luật có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, vấn đề tội phạm và hình phạt, thể hiện rõ tính hướng thiện, tính nhân đạo cao. “Trong đó, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù, hạn chế hình phạt tử hình, đặc biệt tiếp tục nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người chưa đủ tuổi vị thành niên phạm tội. Đây là những vấn đề liên quan, tác động trực tiếp đến đối tượng thanh niên”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong thanh thiếu nhi và tính chất Ngày Pháp luật Việt Nam, Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương mong muốn ĐVTN dành thời gian, trí tuệ, nghiêm túc học tập, nghiên cứu, trao đổi các nội dung được truyền đạt; vận dụng vào công tác tuyên truyền, PBGDPL góp phần nâng cao ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật, định hướng hành vi chuẩn pháp luật cho đoàn viên thanh thiếu niên.