Thanh niên khởi nghiệp từ chương trình OCOP

Hoa Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/12, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Huyện đoàn Mê Linh (Hà Nội) tổ chức Hội thảo "Thanh niên khởi nghiệp từ chương trình OCOP" nhằm cổ vũ, hỗ trợ thanh niên phát huy vai trò xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tham gia tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới.

 Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng trao tặng học bổng đến đại diện thanh thiếu nhi huyện Mê Linh.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 đang dần đi qua. Với mong muốn đồng hành cùng các bạn thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Huyện đoàn Mê Linh tổ chức hội thảo “Thanh niên khởi nghiệp từ chương trình OCOP thành phố Hà Nội”.

Hội thảo cũng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về vai trò và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Trang bị kiến thức, kỹ năng để các bạn trẻ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh: Là vựa rau, hoa của thành phố, trên địa bàn huyện Mê Linh đã hình thành các vùng chuyên canh. Huyện đã sớm xây dựng được các nhãn hiệu tập thể và chuỗi liên kết sản xuất, trong đó có 15 sản phẩm đạt OCOP 4 sao; 40 sản phẩm đoạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Các sản phẩm nông nghiệp của Mê Linh đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước, một số sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

Thông qua hội thảo, ông Nguyễn Thanh Liêm mong muốn đoàn viên, thanh niên tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực sử dụng sản phẩm của huyện. Đặc biệt, qua chia sẻ của các nhà khoa học và đoàn viên, thanh niên sẽ có nhiều ý tưởng quảng bá các sản phẩm nông nghiệp; Đồng thời lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, làm giàu cho quê hương.

 Đoàn viên huyện Mê Linh đặt câu hỏi tại chương trình.

Tại hội thảo, nhiều bạn trẻ bày tỏ mong muốn hiểu về chương trình OCOP. Nội dung này đã  được Tiến sĩ Quyền Đình Hà, Học viện Nông nghiệp Việt Nam giải đáp. Theo đó, ý nghĩa chương trình OCOP gồm: Địa phương hướng đến toàn cầu; Địa phương tự lực, sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Mô hình này thực sự hiệu quả trên thế giới và năm 2018, OCOP được triển khai tại Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Hà, các bạn trẻ muốn tham gia chương trình OCOP thì thủ tục rất đơn giản. “OCOP là chương trình quốc gia nên các bạn được hỗ trợ rất nhiều. Lợi tức đầu tiên các bạn hưởng là được quảng cáo miễn phí, được vinh danh. Đặt biệt khi được cấp sao OCOP thì từ sản phẩm vùng thành sản phẩm quốc gia và quốc tế. Cơ hội kết nối tiêu thụ rất rộng mở”, Tiến sĩ Quyền Đình Hà chia sẻ.

Chia sẻ với đoàn viên, thanh niên, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân cho hay: Ngoài hưởng lợi từ chương trình OCOP, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp còn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ tổ chức Đoàn. Tổ chức Đoàn có nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP của thanh niên. Hiện Thành đoàn đã kết nối thông qua nền tảng công nghệ, mạng xã hội hay hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chi đoàn. Trong đó, chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được Thành đoàn đẩy mạnh.

Ngoài ra, tổ chức Đoàn còn hỗ trợ thanh niên vay vốn khởi nghiệp thông qua: Ngân hàng chính sách xã hội (vay theo hộ gia đình chỉ cần tín chấp); Nguồn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn (có thể vay tối đa 3 tỷ đồng, có thế chấp và dành cho các dự án). “Thành đoàn Hà Nội cũng đã phối hợp với các ngân hàng và sẽ hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế. Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế của địa phương”,  Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần