Thành phố đầu tiên ở Mỹ thông qua luật chống phân biệt đẳng cấp

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Hội đồng thành phố Seattle hôm 21/2 đã bổ sung luật chống phân biệt đẳng cấp, trở thành thành phố đầu tiên tại Mỹ và là thành phố đầu tiên trên thế giới nằm ngoài Nam Á thông qua luật này.

Những người ủng hộ và phản đối luật chống phân biệt đẳng cấp của Seattle biểu tình tại Tòa thị chính TP hôm 21/2. Ảnh: AP
Những người ủng hộ và phản đối luật chống phân biệt đẳng cấp của Seattle biểu tình tại Tòa thị chính TP hôm 21/2. Ảnh: AP

Theo AP, nguồn gốc của hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ được cho đã bắt nguồn từ hơn 2.000 năm trước như một hệ thống phân cấp xã hội dựa trên nghề nghiệp và nơi sinh của một người. Đó là một hệ thống đã phát triển qua nhiều thế kỷ dưới sự cai trị của người Hồi giáo và người Anh.

Những người ở dưới cùng của kim tự tháp đẳng cấp đó - được gọi là Dalits - vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, bất kể việc phân biệt đẳng cấp đã bị cấm ở Ấn Độ kể từ năm 1948, tức một năm sau khi quốc gia này giành độc lập khỏi ách thống trị của Anh.

Tại Mỹ, những lời kêu gọi đẩy lùi sự phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp đang ngày càng lớn hơn trong các cộng đồng người Nam Á. Nhưng phong trào đã bị một số người Mỹ theo đạo Hindu phản đối, những người cho rằng luật như vậy có hại cho một cộng đồng cụ thể.

Căng thẳng được thể hiện rõ ngay tại Tòa thị chính Seattle hôm 21/2, khi một phiên bỏ phiếu vô cùng ồn ào đã diễn ra với đa số Hội đồng nhất trí rằng nếu không có luật, những nạn nhân của phân biệt đẳng cấp tại Mỹ sẽ không được bảo vệ.

Theo Viện Chính sách Di cư Hoa Kỳ, Mỹ là điểm đến phổ biến thứ hai của người Ấn Độ sinh sống ở nước ngoài, ước tính cộng đồng người Nam Á đã tăng từ khoảng 206.000 vào năm 1980 lên khoảng 2,7 triệu vào năm 2021. Nhóm người Mỹ gốc Nam Á dẫn đầu báo cáo, với gần 5,4 triệu người - tăng từ 3,5 triệu được thống kê trong cuộc điều tra dân số năm 2010. Hầu hết đều có nguồn gốc từ Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.

Trong 3 năm qua, một số trường cao đẳng và hệ thống đại học tại Mỹ đã có quy định cấm phân biệt đẳng cấp. Vào tháng 12/2019, Đại học Brandeis gần Boston đã trở thành trường đại học đầu tiên tại Mỹ đưa vấn đề đẳng cấp vào chính sách cấm phân biệt đối xử.

Hệ thống Đại học Bang California, Cao đẳng Colby, Đại học Brown và Đại học California, Davis đều đã áp dụng các biện pháp tương tự. Đại học Harvard vào năm 2021 cũng đã thiết lập các biện pháp bảo vệ đẳng cấp cho lao động là sinh viên, như một phần trong hợp đồng với hội sinh viên sau đại học của trường.

Yogesh Mane, một cư dân gốc Ấn lớn lên ở Seattle, đã bật khóc khi nghe quyết định cuối cùng của Hội đồng hôm 21/2. "Thật xúc động vì đây là lần đầu tiên một sắc lệnh như vậy được thông qua ở một nơi ngoài Nam Á" - ông nói - "Đây là khoảnh khắc lịch sử".

Ủy viên Hội đồng Seattle, Kshama Sawant, một người theo chủ nghĩa xã hội và là người Mỹ gốc Ấn duy nhất trong Hội đồng Thành phố, cho biết sắc lệnh mà bà đề xuất không loại trừ một cộng đồng nào, nhưng nó cho thấy phân biệt đẳng cấp đã vượt qua được những khác biệt chủng tộc và tôn giáo. Sawant cho biết, Hội đồng đã nhận được hơn 4.000 email ủng hộ sắc lệnh.

Trong khi Sara Nelson, thành viên Hội đồng duy nhất bỏ phiếu chống, nêu quan điểm: "Điều này có thể tạo ra nhiều sự phân biệt đối xử với người theo đạo Hindu hơn, và có thể ngăn cản các nhà tuyển dụng thuê người Nam Á. Cộng đồng sẽ càng bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này".

Srikrishna, một cư dân Seattle theo đạo Hindu, tin rằng sắc lệnh nhắm vào tôn giáo của mình. "Khi bạn nói rằng nó bắt nguồn từ 2.000 năm trước, điều đó đang ngầm đổ lỗi cho Ấn Độ giáo" - ông nói.

Còn Sanjay Patel, chủ sở hữu một công ty công nghệ ở khu vực Seattle, thì tỏ ra lo ngại: "Tôi sợ với luật này, các doanh nghiệp sẽ ngại thuê người Nam Á".