Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 74.200 người lao động
Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết. Theo đó, kinh tế - xã hội của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong những tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi sau một năm 2021 khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19.

Tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) trong quý I/2022 tăng 5,83% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp 1,16 lần cả nước là một trong những dấu hiệu khôi phục tăng trưởng rõ nhất. Trong đó, dịch vụ tăng 6,15%, công nghiệp – xây dựng tăng 5,61%, nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%. Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đà tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Những tháng đầu năm 2022, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới. Nhờ đó, trong tháng 4/2022 vừa qua đã có hơn 24.100 lao động được giải quyết việc làm, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 424,7 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 9.500 lao động.
Sở LĐTB&XH Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức thành công 23 phiên giao dịch việc làm (GDVL) với 746 đơn vị, DN tham gia có tổng số nhu cầu tuyển dụng là 11.900 chỉ tiêu. Đã có 4.800 người được phỏng vấn, 1.700 người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên GDVL.
Cũng trong tháng 4/2022, TP ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 5.200 người với số tiền hỗ trợ 148,8 tỉ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 5.500 người; hỗ trợ học nghề cho 236 người với số tiền 1,1 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Dân cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 74.200 người lao động, đạt 46,4% kế hoạch năm, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho trên 15.500 người với kinh phí hỗ trợ 430,5 tỉ đồng.
Để đảm bảo được các mục tiêu về giải quyết việc làm cho người lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của TP, cũng như các cơ quan của địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại cũng như xu hướng phát triển và tác động trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch. Qua đó, nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.
Đồng thời, Sở LĐTB&XH Hà Nội định hướng, cải thiện chất lượng nguồn lao động của TP, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát. Bên cạnh đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm.
Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng chỉ đạo hoàn thiện mạng lưới thu nhập và cung cấp thông tin thị trường lao động từ TP tới địa phương thông qua việc tổ chức đồng bộ hoạt động của hệ thống Sàn GDVL Hà Nội, các Sàn/Điểm GDVL vệ tinh. Đặc biệt là cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên GDVL chuyên đề, lưu động tại các quận, huyện nhằm đưa thông tin về cầu lao động đến trực tiếp với từng đối tượng cụ thể. Từ những hoạt động đó để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời giúp các đơn vị, DN tuyển dụng được lao động.

Hưởng lương hưu cao nhất thì đóng bao nhiêu năm bảo hiểm xã hội?
Kinhtedothi – Người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bao nhiêu năm để có lương hưu cao nhất; có được cộng dồn thời gian đóng BHXH, công nhân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm mấy lần…là những câu hỏi được các đoàn viên công đoàn gửi tới chuyên gia, luật sư.
“Cú huých” cho doanh nghiệp nâng chất lượng nhân lực, tăng năng suất lao động
Kinhtedothi – Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của TP Hà Nội, đến nay Thủ đô đã có trên 1.300 người lao động (NLĐ) trong các DN nhỏ và vừa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nâng kỹ năng nghề, giúp cho công ty tăng hiệu quả sản xuất, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Gần 1.300 việc làm, lương tới trên 10 triệu đồng dành cho lao động trẻ
Kinhtedothi – Tại Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động huyện Mê Linh năm 2022 thu hút 31 DN tham gia tuyển dụng 1.280 chỉ tiêu với đa dạng mức lương lên tới trên 20 triệu đồng dành cho người lao động (NLĐ) và sinh viên sắp tốt nghiệp.