Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố hậu dịch bệnh

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều TP trên thế giới đang tận dụng thời gian hạn chế xã hội để triển khai kế hoạch “đoạt lại” đường cho xe đạp, nới rộng vỉa hè giúp người đi bộ duy trì khoảng cách, hay ưu tiên ứng dụng công nghệ không tiếp xúc nơi công cộng. Liệu thế giới hậu Covid-19 có thể chứng kiến một cuộc lột xác của quy hoạch và thiết kế đô thị?

Giống như những con sứa đang trở lại các kênh đào hay chim hồng hạc của Venice đổ về Mumbai dạo gần đây, người đi bộ và đi xe đạp tại nhiều đô thị đông đúc đang “mạo hiểm” đến những nơi mà trước đây họ chưa từng dám đến. Ở Oakland, bang California, gần 10% các con đường đã được chỉ định dành riêng cho người chạy bộ và đạp xe, trong khi thủ đô Bogota của Colombia mở hơn 70km làn đường tạm thời cho xe đạp. Tháng 5 này, New York tấp nập của Mỹ bắt đầu thử nghiệm những đoạn đường “không khói”, dài khoảng chục cây số quanh các công viên.
 Làn đường mới cho xe đạp tại Milan mùa Covid -19.
Hơn cả sự thân thiện với môi trường, khuyến khích đi xe đạp đặc biệt ý nghĩa trong đại dịch khi có thể giúp giảm sự đông đúc trên phương tiện giao thông công cộng, duy trì khoảng cách an toàn giữa mọi người. Nhiều sáng kiến đô thị khác cũng đã được đề xuất để trực tiếp kiểm soát sự lây lan của virus, chẳng hạn như hệ thống đèn giao thông tại các TP ở Mỹ, Canada và Australia được sửa đổi để mọi người không còn cần phải chạm vào nút xin qua đường.
Không rõ liệu những can thiệp lúc này có thể được tiếp tục sau khi đại dịch kết thúc hay không. Kế hoạch mở rộng vỉa hè của Milan hậu giãn cách đã được báo cáo là “vĩnh viễn”, trong khi chính quyền thủ đô Budapest của Hungary gợi ý rằng làn đường dành cho xe đạp mới của TP có thể được duy trì mãi mãi nếu biện pháp cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên quy hoạch đô thị luôn là một cuộc chiến dài hơi, trong đó việc thay đổi những di sản của các quyết định trong quá khứ cần có thời gian, sự phối hợp và đặc biệt là quyết tâm cao.
Nói cách khác, tiện nghi và không gian công cộng không phải luôn dễ dàng mở rộng hoặc cơ cấu lại theo ý muốn. Vì vậy đại dịch lúc này sẽ chỉ đóng vai trò là chất xúc tác, thúc đẩy giới chức và chuyên gia đô thị cùng ngồi lại để đưa ra những quyết định tái thiết TP dần trở nên an toàn hơn trong tương lai. Ít nhất, điều này góp phần bảo vệ khoảng 65% dân số thế giới ước tính sẽ sinh sống tại các đô thị vào năm 2050 một khi những thảm họa tương tự xảy ra.
Nhỏ gọn và xanh hơn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tin rằng cuộc sống ở TP có thể khiến cư dân dễ mắc các bệnh truyền nhiễm qua không khí do mật độ đông đúc và thoáng khí kém. Nhưng UN-Habitat, cơ quan phát triển nhà ở và đô thị của Liên Hợp quốc cho biết các TP nhỏ gọn hơn cũng có thể giúp ngăn chặn sự lây lan, vì người dân dễ dàng tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Cuộc chiến với Covid-19 đang cho thấy thực tế, các đô thị nhỏ như Hongkong hay Singapore tỏ ra kiểm soát dịch bệnh tốt hơn ở những vùng nông thôn rộng lớn như Lombardy hay Veneto của Italia.
Esteban Leon, người đứng đầu Chương trình Phục hồi Thành phố Toàn cầu của UN-Habitat lý giải: “Những lợi ích của một TP nhỏ gọn được quy hoạch tốt bao gồm thời gian đi lại ngắn hơn, không khí sạch hơn, giảm tiếng ồn và mức tiêu thụ nhiên liệu”.
Từ lý thuyết này, nhiều nhà lãnh đạo TP đã hành động để tạo ra các cộng đồng đô thị gần gũi hơn về mặt vật lý. Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo cho biết bà đang nhắm đến “thành phố 15 phút”, nơi hầu hết các nhu cầu hàng ngày của mọi người có thể giải quyết bằng đi bộ ngắn, đi xe đạp hoặc tối đa là đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng.
Hôm 25/3, thị trưởng Barcelona, Ada Colau công bố kế hoạch trị giá 4,4 triệu euro (4,8 triệu USD) để làm cho TP phù hợp hơn cho người đi bộ và người đi xe đạp theo các quy tắc giãn cách xã hội. Đây chính là lý do sâu xa thúc đẩy những đổi mới tạo điều kiện cho giao thông xanh ở nhiều TP đã kể trên.
Đây không phải lần đầu tiên một dịch bệnh xảy ra dẫn tới những thay đổi trong quy hoạch đô thị. Và lịch sử đã cho thấy xu hướng thay đổi tập trung vào môi trường bên ngoài hơn sau các thảm họa, thiên tai lớn. Chẳng hạn, các quy định về giới hạn chiều dài các công trình liên kế ra đời sau loạt đám cháy lan mất kiểm soát từ thế kỷ XVII; các đợt bùng phát dịch tả những năm 1830 đã thúc đẩy thêm giải pháp xử lý nước thải tốt hơn tại thủ đô London của Anh cũng như nhiều TP khác; trong khi bệnh lao xảy ra tại New York hồi đầu thế kỷ XX đã mở đường cho việc cải thiện các hệ thống vận chuyển công cộng và các quy định về nhà ở.
Bùng nổ thiết kế sáng tạo
Giảng viên cao cấp về quy hoạch đô thị và môi trường Tony Matthews, từ ĐH Griffith, Australia tin rằng, Covid-19 sẽ dẫn tới những thay đổi về tư duy thiết kế, khi dẫn ví dụ về những sáng kiến gây chú ý thời gian qua như thang máy “vô trùng”, hay tay nắm cửa có thể dễ dàng mở bằng khuỷu tay thay vì bàn tay.
Dưới góc nhìn của kiến trúc, dịch bệnh luôn là bối cảnh hoàn hảo để cho ra đời nhiều công trình đô thị sáng tạo. Ví dụ, đại dịch cúm năm 1918 đã dẫn đến việc chuyển đổi hình thức phòng tắm chung trong các hộ gia đình thành các phòng riêng tư hơn. Cuối thế kỷ đó, nhà điều dưỡng “sanatoria” được xây dựng để dành riêng cho điều trị bệnh lao đã truyền cảm hứng cho xu hướng thu đón ánh mặt trời tối đa của kiến trúc hiện đại, được cho đã dẫn đến sự ra đời của sân thượng và vườn trên mái phổ biến hiện nay.
Dịch Covid-19 cũng không ngoại lệ, khi nhà thiết kế người Italia, Umberto Menasci mới đây gây ấn tượng với mô hình các hộp mica cho phép người đi biển thư giãn trong sự cô lập, giãn cách. Cuộc thi thiết kế nhà chọc trời eVolo năm nay trao giải nhất cho một tháp chăm sóc sức khỏe khẩn cấp đúc sẵn, được gọi là “Epidemia Babel”, mà theo các nhà thiết kế Trung Quốc tuyên bố là có thể nhanh chóng được dựng lên cho một đợt bùng phát trong tương lai. Thậm chí đã có những thiết kế kỳ quặc cho hậu Covid-19 như “công viên không đám đông” xưởng thiết kế Studio Precht tại Áo. Dù trông không khác một mê cung nhưng nó được tin sẽ đảm bảo khoảng cách an toàn cho người dạo chơi.
Bất kể các thiết kế có được ứng dụng thực tế hay không, điều quan trọng nhất, theo Jordi Honey Roses - Phó giáo sư tại ĐH British Columbia, đồng thời là tác giả một trong những nghiên cứu học thuật đầu tiên về tác động tiềm năng của Covid-19 trên không gian công cộng - là việc đã cho thấy niềm tin lạc quan rằng cuộc khủng hoảng này có thể cải thiện cơ sở hạ tầng các TP, nhằm tối ưu trong quá trình vận hành.
“Đại dịch đã mang đến những cơ hội thực sự để các TP suy ngẫm lại về không gian công cộng” - ông Roses nói, “là câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia, nhưng cũng là lúc các nhà lãnh đạo TP phải mạnh dạn để đạt được những điều mà trước đây không thể có”.
Đây không phải lần đầu tiên một dịch bệnh xảy ra dẫn tới những thay đổi trong quy hoạch đô thị. Và lịch sử đã cho thấy xu hướng thay đổi tập trung vào môi trường bên ngoài hơn sau các thảm họa, thiên tai lớn.