Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố nên nghiên cứu nhân rộng mô hình nhất thể hóa tại phường

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị khảo sát của Tổ soạn thảo phục vụ xây dựng Đề án “thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội” do Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo chủ trì sáng nay (30/3) tại Quận ủy Đống Đa, ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung đã chia sẻ nhận định về những khó khăn và kết quả thu được từ quá trình thực hiện mô hình nhất thể hóa này.

 Toàn cảnh hội nghị

Quang Trung là phường duy nhất tại quận Đống Đa và là một trong số ít phường của TP Hà Nội đã thực hiện mô hình nhất thể hóa, đến nay được hơn 3 năm. Theo ông Tuấn, mô hình này trước đây chưa có đơn vị nào thực hiện, phường không được đúc rút kinh nghiệm, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo quận, nên qua thời gian thực hiện tại phường Quang Trung đã thể hiện đây là mô hình rất tốt.
Nổi bật nhất là mô hình phát huy được vai trò trách nhiệm của cá nhân chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, đối với Đảng thì theo hình thức tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách - đồng chí bí thư cấp ủy là người đại diện cho Ban chấp hành để thực hiện nghị quyết kết luận của Ban chấp hành, theo cơ chế tập thể lãnh đạo. Còn, chủ tịch UBND phường mặc dù theo quy định của luật là theo cơ chế lãnh đạo tập thể, thay mặt cho UBND nhưng trong thực tế, đó gần như là thủ trưởng của đơn vị.

Vì vậy, khi bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND phường thì theo cơ chế vừa lãnh đạo theo tập thể vừa là thủ trưởng, làm thế nào để hài hòa là rất khó khăn. Vì người đó nếu nghiêng quá về cơ chế thủ trưởng thì dễ dẫn đến quan liêu, gia trưởng, độc đoán; còn nếu nghiêng quá về cơ chế tập thể lãnh đạo thì lại dẫn đến bị chậm trễ trong triển khai tổ chức hoạt động. Vì, khi đã là bí thư kiêm chủ tịch UBND thì người đó phải chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của địa phương, không “đổ” sang được cho ai, phải vừa là cấp ủy, vừa là người tham mưu để trình với cấp ủy, đồng thời lại định hướng cho cấp ủy thảo luận trao đổi, và sau khi cấp ủy thống nhất xong thì chính người đó lại phải tổ chức thực hiện. Như vậy, trách nhiệm rất nặng nề.

Theo ông Tuấn, rõ ràng khi thực hiện mô hình này, ý thức trách nhiệm của cán bộ đối với công việc được nâng cao hơn, hoạt động của địa phương cũng nhanh hơn, đảm bảo được vai trò tập trung và nâng cao được uy tín lãnh đạo của tập thể cấp ủy, của Đảng bộ. Đó chính là thành công lớn nhất của mô hình này tại phường Quang Trung.

“Từ khi tôi được phân công kiêm thêm vai trò Chủ tịch UBND phường, mọi công việc của địa phương được triển khai rất kịp thời, không còn chuyện phải lảng tránh hay xin ý kiến nhiều nơi. Về hệ thống chính trị, sự đồng thuận, đồng bộ, thống nhất nội bộ cũng cao. Vì vậy, rất mong muốn Thành ủy nghiên cứu, đánh giá để triển khai rộng mô hình nhất thể hóa tại các phường”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
 Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Quang Trung Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Góp ý vào mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đề xuất, tại cấp phường, nên bỏ HĐND, bởi dù theo luật, HĐND có quyền hạn rất lớn nhưng thực tế để thực hiện được quyền hạn đó là rất khó.

“Nói là quyết được mọi việc nhưng thực ra HĐND phường chỉ quyết theo chỉ tiêu cấp trên giao. Ngân sách theo từng lĩnh vực đều do cấp trên giao, HĐND phường không quyết định vấn đề gì; về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cũng đều do cấp trên giao. Còn về chức năng giám sát, HĐND phường cũng có hạn chế vì đa số đại biểu (ĐB) HĐND phường là hưu trí.

Phường mong muốn vận động được những người có kinh nghiệm, có trình độ tham gia ứng cử ĐB HĐND để nâng uy tín cũng như chất lượng HĐND, nhưng vô cùng khó khăn. Trong số 26 ĐB HĐND phường, trừ các cán bộ đương chức, còn với những cán bộ hưu trí thì tập huấn rất nhiều nhưng để họ thực hiện được chức năng giám sát là rất hạn chế. Vì vậy, có thể nói hiệu quả hoạt động của HĐND phường không cao”, ông Tuấn nhấn mạnh và cũng cho rằng: Tại cấp phường được phân cấp quản lý quá nhiều trong khi bộ máy để thực hiện lại không đủ, vì vậy chỉ nên thực hiện một số công tác dịch vụ hành chính do TP giao; còn với chức năng giám sát thì giám sát của Nhân dân mới là giám sát tối cao.