Báo Nikkei Asia của Nhật Bản mới đây có bài viết đáng giá, sản xuất của Việt Nam đã chứng tỏ sự phục hồi nhanh chóng và ổn định ngay cả trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm. Thị trường rộng mở và việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hứa hẹn những cơ hội lớn cho tăng trưởng. Kết quả này được cho xuất phát từ thành công nổi bật trong việc kiểm soát virus của đất nước.
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á mới nhất do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố, Việt Nam ước tính tăng trưởng hơn 2% trong năm 2020, trong khi láng giềng Thái Lan giảm 7,8%. Nhờ quy mô thị trường lớn hơn và giá nhân công rẻ hơn, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giá trị xuất khẩu.
Tờ Financial Express trích nhận định của Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết, Việt Nam đã nổi lên như một cơ sở sản xuất chi phí thấp trong chuỗi cung ứng châu Á, đánh bại Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc về các chỉ số, bao gồm chính sách FDI, kiểm soát ngoại thương và hối đoái.
Tờ The Star, có trụ sở tại Malaysia, đã nhấn mạnh sự kiện các công ty thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ký kết một số hợp đồng xuất khẩu vào đầu năm 2021, đặc biệt là với các đối tác châu Âu và các nước thành viên RCEP.
Trong khi đó, Jakarta Post của Indonesia ca ngợi sự trỗi dậy của thương mại điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 . Mặc dù tiền mặt vẫn thống trị trong nước, nhưng số lượng thanh toán di động tại Việt Nam đã đạt gần 700 triệu, tính đến cuối tháng 8/2020 - tăng 980% so với cùng kỳ năm 2019.