70 năm giải phóng Thủ đô

Thanh toán không tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng mạnh trong thời gian qua, trở thành xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Các ngân hàng cũng đang chuyển đổi mạnh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nỗ lực để gia tăng thanh toán không tiền mặt.

Tiện ích cả người mua, người bán

Ông Nguyễn Hoàng Linh - kế toán viên tại Công ty TNHH Thái Phú (Hà Nội) chia sẻ, giao dịch thanh toán trên kênh ngân hàng số hiện nay rất thuận lợi và dễ dàng. Đặc biệt, phí không còn là gánh nặng khi hầu hết ngân hàng đang áp dụng miễn phí giao dịch trên nền tảng số. Do đó, 80% giao dịch của công ty đã chuyển từ tiền mặt sang thanh toán trực tuyến.

Anh Trần Minh Thắng, ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Tôi thường xuyên đóng tiền điện, tiền học và chi trả các dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng, đôi khi đi chơi xa cũng có thể chuyển khoản thanh toán mua hàng online". Chị Nguyễn Phương Anh (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Nếu như trước đây chỉ sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt duy nhất là chuyển khoản ngân hàng qua MobiBanking, thì trong đợt dịch vừa qua, hầu hết tiêu dùng hàng ngày chị đều chi trả bằng hình thức này. “Từ thực phẩm, rau xanh, đồ uống đến sách, quần áo tôi đều đặt mua online” - chị Phương Anh nói.

 Ngân hàng bắt tay ''chợ mạng'' thúc đẩy thanh toán trực tuyến. Ảnh minh họa

Hiện nay trong việc mua sắm, tiêu dùng hằng ngày, các đơn vị đã mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS), chuyển tiền online… khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen sang thanh toán không dùng tiền mặt. Các cửa hàng tạp hóa lớn, trung tâm thương mại, siêu thị rất tích cực ứng dụng hình thức thanh toán phi tiền mặt.

Không chỉ tiện lợi, nếu biết tận dụng, người dùng thanh toán không tiền mặt còn giảm được nhiều chi phí. Các ngân hàng còn có nhiều chính sách khuyến mãi như: Không thu phí mở tài khoản, giảm phí chuyển tiền ngoài hệ thống, đồng thời phối hợp với các trường học, bệnh viện, DN thanh toán thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử. Với phương thức thanh toán mới này sẽ mang lại lợi ích tích cực cho khách hàng là cá nhân và DN, bởi tính an toàn, tiết kiệm thời gian và chủ động thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Tại VPBank áp dụng thẻ tín dụng doanh nghiệp VPBiz, nhằm khuyến khích doanh nghiệp chi tiêu qua thẻ, vừa tận dụng được nguồn vốn lưu động, vừa hưởng nhiều chính sách hoàn tiền, qua đó tiết kiệm tối đa ngân sách. VPBiz cho phép giao dịch/thanh toán được mọi lúc mọi nơi trên toàn cầu mà không cần dùng tiền mặt, ngoài ra, chi tiêu còn được ghi nhận khấu trừ thuế doanh nghiệp.

VNPAY cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn trong tháng 11/2021 tại hàng nghìn điểm bán thanh toán VNPAY-QR trong đó có nhiều siêu thị lớn như siêu thị AEON, Lotte Mart, GO!, Tops Market… Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng giảm giá trực tiếp khi mua sắm tại các điểm bán này, thanh toán VNPAY-QR và nhập mã giảm giá được niêm yết tại điểm bán. 

Một loạt các ngân hàng VIB, HSBC, Techcombak, HDBank… bắt tay sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Lazada, Tiki… khuyến mại thúc đẩy thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã ký kết thỏa thuận với các đơn vị để cung ứng dịch vụ thu tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng hình thức thanh toán hiện đại

Theo Giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank Phạm Đức Duy, sau hơn 1 tháng ở giai đoạn bình thường mới, thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng vượt bậc. Doanh số tháng 10 của Sacombank tăng trưởng hơn 40% so với các tháng trước đó. Đặc biệt, khi người dân làm quen với các giao dịch trực tuyến trong thời gian giãn cách đã tiếp tục sử dụng, thể hiện qua doanh số kênh online tại Sacombank tăng 30% so với các tháng trước.

Khảo sát của Visa cho thấy, Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. 77% người tiêu dùng Việt Nam biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng ưa thích nhất, tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè. Đặc biệt, có đến 6% người được khảo sát cho biết họ nghĩ rằng sẽ không cần phải sử dụng tiền mặt nữa. Đó là tín hiệu lạc quan cho thấy dù quay lại bình thường mới thì thói quen không tiền mặt của người dân vẫn được duy trì.

 Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu. Ảnh minh hoạ

Thống kê mới nhất từ NHNN, trong 9 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% về số lượng và tăng tới 42,58% về giá trị so với cùng kỳ. Thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 51% về số lượng và 29% về giá trị. Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 76% về số lượng và 88,3% về giá trị. Qua kênh QR code tăng 64% về số lượng và 128% về giá trị. Đến cuối tháng 9, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là 110.92 triệu tài khoản, tăng 15.4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Về lâu dài, khi thanh toán không dù tiền mặt được đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn. Còn trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc đông người để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, hình thức thanh toán này cũng ít nhiều hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch thanh toán của người dân, hạn chế nguy cơ lây nhiệm dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN), một vấn đề rất quan trọng đó là an toàn, bảo mật thông tin của khách hàng trong mọi giao dịch thanh toán. Đây là trách nhiệm của hệ thống ngân hàng và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế. Vì vậy, các ngân hàng và công ty Fintech cần diễn tập thường xuyên kịch bản chống bị tấn công bởi hacker, không ngừng nâng cấp hệ thống phần mềm về an ninh, bảo mật.

Về phía NHNN cho biết, theo trong thời gian tới tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán; xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)...

Trong đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử chiếm 50%. 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản, tăng số điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 450.000 điểm. 

Giới chuyên gia cho rằng, Chính phủ đã ban hành Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2025. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đề án cần liên tục được cập nhật tạo cơ sở thúc đẩy hành lang pháp lý, đảm bảo theo kịp yêu cầu thực tiễn. Trong đó, cách tiếp cận xây dựng các quy định pháp luật nên theo hướng khuyến khích thử nghiệm, sáng tạo nhiều hơn, song song với xu hướng chuẩn hóa nhằm tận dụng tốt thành quả công nghệ, nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và DN.

Hà Nội đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn năm 2021. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Với việc Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng TP thông minh… để phục vụ tốt hơn cho người dân và DN. (Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu)

Có thể xem dịch bệnh là một lực đẩy, tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận sự bùng nổ của thanh toán online trong thời gian qua là do các đơn vị cung cấp dịch vụ đã có sự chuẩn bị từ rất lâu, và sẵn sàng để cung cấp các giải pháp thanh toán hiện đại cho khách hàng. Tôi nhận thấy đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thanh toán, đòi hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ không ngừng làm mới mình để có thể đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược - NHNN Phạm Xuân Hoè)