Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh tra 500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp, nên trong năm 2018 sẽ có ít nhất 500 DN trong lĩnh vực này được thanh tra.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và đại diện các bên bấm nút phát động chiến dịch thanh tra năm 2018
Sáng 27/4, Bộ LĐTB&XH tổ chức Lễ phát động chiến dịch Thanh tra lao động năm 2018. Chiến dịch thanh tra có chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vì an toàn, sức khỏe người lao động”.
Chiến dịch thanh tra sẽ được thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố. Trong thời gian từ tháng 1 đến 10/2018 sẽ có các cuộc thanh tra trực tiếp tại DN và tiếp tục hoạt động truyền thông. Ít nhất 500 DN khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng được thanh tra.

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, TNLĐ chết người trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đứng thứ hai chỉ sau lĩnh vực xây dựng. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, năm 2016 và 2017, lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng chiếm trên 9% tổng số vụ TNLĐ chết người và tổng số người chết.

Nguyên nhân xuất phát từ cả phía người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Phần lớn lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực khai thác khoáng sản có trình độ phổ thông, chưa qua đào tạo hoặc đào tạo không cơ bản, chưa quen với phương thức sản xuất công nghiệp, khả năng nhận thức còn hạn chế. Trong khi ấy, họ lại không lường hết các nguy cơ TNLĐ tại vị trí làm việc nguy hiểm.

Về phía người sử dụng lao động lại không xây dựng quy trình, biện pháp ATVSLĐ và phổ biến hướng dẫn cho NLĐ trước khi tiến hành công việc. Người sử dụng lao động cũng không đảm bảo điều kiện và môi trường làm việc ATVSLĐ cho NLĐ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn…

Ngoài ra, công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật còn hạn chế, sự vào cuộc của các ngành, các cấp còn chưa phát huy hiệu quả cao dẫn đến số vụ TNLĐ chết người và số người chết trong lĩnh vực khai thác khoáng chiếm tỷ lệ cao nhất.

Vì thế, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Chiến dịch thanh tra ATVSLĐ muốn thành công, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, nòng cốt là công tác truyền thông, khuyến cáo các sai phạm để các DN hoạt động trong lĩnh vực này biết, khắc phục, tiếp đến là hệ thống thanh tra lao động, tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động.

Phó Trưởng ban Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, ngoài thu nhập, mối quan tâm của NLĐ là môi trường làm việc an toàn. Vì thế, việc thực hiện các Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực khai thác khoáng sản có ý nghĩa quan trọng đối với an toàn và sức khỏe NLĐ.

Phó Chánh thanh tra Bộ LĐTB&XH Lê Hữu Long hy vọng, hoạt động thanh tra sẽ góp phần giảm thiểu số vụ TNLĐ chết người từ mức 19,5% số vụ và 18,2% số người chết xuống còn từ 10 - 15% số vụ nghiêm trọng và số người chết xuống dưới 10%.