Phúc Thọ là một trong những huyện rộng lớn nhất của Hà Nội. Hoạt động vận tải chủ yếu trên địa bàn này là xe ô tô chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng.
Đặc biệt, trên địa bàn Phúc Thọ hiện nay có tới 6 bến bãi vật liệu xây dựng nhưng chỉ có 1 bến được cấp phép, còn lại là các bến tạm vẫn đang chờ địa phương đưa ra phương án xử lý. Bên cạnh đó, Phúc Thọ cũng nằm trên nhiều tuyến đường liên khu vực với lưu lượng xe ô tô vận tải hàng hóa qua lại hàng ngày không nhỏ.Thế nhưng, để kiểm soát cả một địa bàn rộng lớn và phức tạp như vậy, Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ lại chỉ có vẻn vẹn 8 người. Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ Nguyễn Thành Công thông tin, trong 8 người thì có 1 người duy trì phối hợp chốt trực giao thông tại quận Đống Đa hàng ngày; 1 cán bộ văn phòng kiêm xử lý hành chính. Lực lượng thực tế ra đường đi làm chỉ có 6 người chia thành các ca thì mỗi ca chỉ có từ 2 - 3 người.“Những ngày cao điểm, cả Đội phải trực hết nhưng cũng không tuần tra xuể được. Cắm chốt chỗ này thì lại hổng chỗ kia. Muốn nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm là rất khó” - ông Công phân trần.Khi được hỏi về việc phối hợp xử lý vi phạm xe chở quá tải trọng trên địa bàn, lãnh đạo Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ chia sẻ: “Chúng tôi vẫn thường xuyên phối hợp với Công an huyện kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong quá trình làm việc cũng phát sinh nhiều khó khăn mà chúng tôi không thể đơn phương giải quyết được”.Ý kiến này là hoàn toàn có cơ sở. Đơn cử như việc xử lý các bến bãi vật liệu xây dựng trên địa bàn Phúc Thọ. Thanh tra GTVT chỉ có chức năng kiểm tra, xử lý chuyên ngành. Đơn vị liên tục xử phạt vi phạm, đề xuất với địa phương có hướng xử lý dứt điểm các bến bãi, nhưng vẫn chưa có kết quả. Vấn đề này chủ yếu thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.Một khó khăn khách quan khác làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuần tra, xử lý vi phạm của Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ nói riêng và lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội nói chung, đó là thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm.